Nghị định 49 năm 2017 của Chính phủ đã quy định các mức xử phạt cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi lưu hành, mua bán, tiêu thụ sim rác.

Tuy nhiên, đến nay, sim rác vẫn được rao bán công khai từ môi trường mạng đến các cửa hàng, đại lý sim thẻ. Thậm chí, người dùng có thể dễ dàng mua được sim rác tại các quán nước ven đường.

Theo khảo sát của PV Báo Gia đình và Xã hội tại một số cửa hàng điện thoại và sim thẻ trên địa bàn Hà Nội, sim khuyến mại, sim kích hoạt sẵn với nhiều ưu đãi luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà không phải thực hiện bất kỳ thủ tục đăng ký rườm rà nào.

Điểm bán buôn sim thẻ H.C (328C Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) có nhiều đã kích hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Có mặt tại điểm bán buôn sim thẻ H.C (328C Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), chủ cửa hàng sim thẻ này cho biết, cửa hàng là đại lý bán buôn sim thẻ, khách cần loại nào cũng có, bao gồm sim chưa kích hoạt lẫn kích hoạt sẵn.

"Với loại sim được kích hoạt sẵn (sim rác) mỗi tháng chỉ cần duy trì 20.000 đồng thẻ nạp là có thể sử dụng đến 4G/ngày dung lượng truy cập mạng", chủ cửa hàng sim thẻ 328C Nguyễn Trãi cho hay.

Để minh chứng cho lời nói của mình, chủ cửa hàng này không ngần ngại đặt lên mặt bàn những bó sim của các nhà mạng đã được kích hoạt sẵn, để khách hàng lựa chọn.

Rất nhiều số điện thoại được trưng sẵn trên bốn mặt tường, tại cửa hàng H.N, số 5 Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Tại cửa hàng sim thẻ H.N ở số 5 Khương Đình (Thanh Xuân) cũng tương tự. Anh H, chủ cửa hàng này cho hay: "Muốn sim khuyến mại của nhà mạng nào tôi cũng có đáp ứng, khách hàng chỉ cần lắp vào là dùng thôi".

Anh H cho biết, sim khuyến mại của các nhà mạng bán tại cửa hàng đang được ưu đãi rất lớn. Đơn cử như mạng Mobiphone có sim ưu đãi chỉ để truy cập mạng có giá niêm yết là 500.000 đồng/sim nhưng khách mua lắp vào dùng ngay thì chỉ phải chi trả 400.000 đồng/sim.

"Chỉ cần bỏ ra 400.000 đồng để mua sim là em có thể dùng mạng cả năm (12 tháng) mà không phải nạp tiền", anh H cho hay.

Cũng theo anh H, sim khuyến mại của mạng Viettel  thì rẻ hơn, chỉ 300.000 – 350.000 đồng/sim nhưng mỗi tháng, khách hàng phải nạp tiền có mệnh giá từ 89.000 – 90.000 đồng để duy trì ưu đãi.

Sim rác của nhà mạng Vietnammobile có giá 50.000 đồng/sim nhưng khách hàng có 4G dung lượng để truy cập mạng trong một ngày.

Anh Nguyễn Đình Văn (33 tuổi) – chủ một cửa hàng sim thẻ tại Phú Thọ cho biết: "Mình cần bao nhiêu là nhà mạng có bấy nhiêu cho mình. Mỗi sim rác bán ra tôi chỉ được lãi khoảng 20.000 đồng/sim. Tuy nhiên, dạo gần đây sim rác khó bán hơn. Đa phần khách hàng đều muốn sim của mình phải mang tên chính chủ, còn sim rác thì chủ yếu được giới trẻ chọn mua để dùng thêm để vào mạng hoặc gọi ưu đãi. Có những khách hàng mua một lúc nhiều sim rác để dùng. Tôi không hiểu họ dùng gì mà nhiều đến thế".

Cũng theo anh Văn, hiện quy trình đăng ký thông tin cho sim cũng chặt chẽ hơn. Nếu như trước kia, nhân viên nhà mạng có thể dùng tay tự gõ số chứng minh thư của khách hàng và sao lưu ảnh có sẵn của khách hàng để đăng ký, thì khoảng một tháng trở lại đây, để làm được thủ tục chính chủ cho sim, nhân viên nhà mạng phải chụp hình trực tiếp khách hàng tại quầy, soi chứng minh thư bằng máy và hệ thống sẽ tự động nhận diện và tự động gõ số chứng minh thư, thẻ căn cước.

"Sim rác tồn tại ngoài thị trường là do nhu cầu của khách hàng. Có cầu ắt có cung đáp ứng. Trước kia, ôm sim rác dễ dàng hơn vì chi phí để nuôi sim rác cũng rẻ, chỉ cần phát sinh 1 tin nhắn trong thời gian 2 tháng là có thể quay vòng thời gian lưu hành sim rác, nhưng bây giờ mỗi tháng phải chi ra 3.000 đồng để phát sinh tin nhắn. Nếu không phát sinh liên hệ thì trong vòng 3 tháng, người bán sim cũng mất trắng cả đống sim mà chẳng biết kêu ai", anh Văn cho biết.

Tương tự, trên môi trường mạng, chỉ cần gõ cụm từ "sim rác giá rẻ, sim rác, sim khuyến mại giá rẻ" trên các thanh công cụ tìm kiếm, sẽ cho ra rất nhiều thông tin ưu đãi về sim rác. Thậm chí, người dùng mạng mua với số lượng lớn thì giá chỉ còn 5.000 đồng/sim.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn LS TP Hà Nội), người dùng mạng nên hết sức tỉnh táo khi mua và dùng sim. Nếu không muốn số điện thoại đang dùng bỗng dưng bị khóa và mất thì cần phải thực hiện thao tác đăng ký chính chủ số điện thoại đó.

Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nghìn tin nhắn rác được phát đi từ các sim rác của các nhà mạng. Đồng thời, đã có khoảng 1.885.000 thuê bao điện thoại di động bị khóa số do không đủ thông tin.

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, một trong những nguyên nhân khiến sim rác quay trở lại là do Nghị định 49 của Chính phủ đã không giới hạn lượng sim một người có thể đăng ký. Do vậy, không ít cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, dùng 1 chứng minh thư hoặc thẻ căn cước để đăng ký nhiều sim.

Để chấn chỉnh thực trạng này, bắt đầu từ 1/10, Sở TT&TT 63 tỉnh, thành bắt đầu tiến hành thanh tra diện rộng tình trạng sim rác tại nhà mạng. Nếu nhà mạng nào tiếp tục để sim rác tái diễn thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.

Theo Gia đình & Xã hội