Theo một nghiên cứu, ngồi liên tục trong quá 3 tiếng là mức giới hạn đáng báo động. Việc ngồi quá lâu gây trì trệ cơ thể và là nguồn cơn gây ra co thắt động mạch dưới chân, cản trở lưu thông máu, tăng huyết áp và góp phần vào phát triển bệnh tim. 

Ngoài những hậu quả đáng lo ngại ấy, ngồi một chỗ trong thời gian quá lâu còn có thể gây ra nhiều biến chứng khác đối với các bộ phận trên cơ thể bạn.

Tác động đến sự lưu thông máu

Khi bạn ngồi một chỗ trong thời gian quá lâu từ 3-4h trở đi và không có các hoạt động vận động sẽ khiến quá trình lưu thông máu trong cơ thể bạn sẽ bị ảnh hưởng và khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là vùng chậu và vùng chi dưới.

Hậu quả đầu tiên cần kể đến là khiến suy giảm chức năng mạch máu.

Đây là kết quả được rút ra từ một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Bristish Columbia. Bắt đầu nghiên cứu, các nhà khoa học tuyển chọn những bé gái từ 7-10 tuổi tham gia vào thử nghiệm. Tất cả đều có chức năng mạch máu bình thường.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 giờ ngồi liên tục, chỉ số giãn nở động mạch của những bé gái này giảm tới 33%. Con số đáng báo động, bởi chỉ 1% suy giảm trong chức năng mạch máu, tương ứng với đó là 13% nguy cơ lớn hơn mắc bệnh tim. Kết quả này được xác nhận trong nghiên cứu khác trên người trưởng thành.

Giáo sư Alan Hedge, đến từ Đại học Cornell cho biết thêm: “Nghiên cứu cho thấy trẻ em và người trưởng thành không có sự khác biệt về mặt sinh lý học cơ thể cơ bản. Điều này khẳng định rằng ngồi nhiều sẽ nén mạch máu ở người trẻ, cũng như người trưởng thành và người lớn tuổi”.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Khi bạn ngồi lâu một chỗ, cơ bắp đốt cháy ít chất béo và chảy máu chậm chạp hơn, tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, axit béo dễ dàng làm tắc nghẽn tim, dẫn đến bệnh tim mạch, rất nguy hiểm, có thể dãn đến đột quỵ.

Có thể minh chứng một cách rõ ràng hơn là sau khoảng thời gian ngồi quá lâu, khi bạn đứng dậy dễ dàng cảm thấy choáng váng đầu óc hoặc hoa mắt do lúc ấy máu chưa kịp lưu thông, đứng dậy ngay lập tức khiến tim phải co bóp nhanh hơn để đẩy máu tới các cơ quan khác, điều này gây tổn thương cho tim khi nhiều lần phải hoạt động "hết công suất".

Tăng nguy cơ mắc bệnh về thận

 

Công việc bận rộn và áp lực liên tục cũng là một lý do khiến bạn không có thời gian rời khỏi bàn làm việc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ về bệnh thận tăng cao.

Quá bận rộn dẫn đến việc bạn quên đi thói quen uống nước, điều này rất có hại cho thận và hơn nữa nó còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, gây ra các bệnh về da như viêm da, vàng da, nám da,….

Ngồi nhiều cũng khiến cho tuyến tụy sản xuất nhiều insulin. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Tổn thương não

Trạng thái ít vận động do ngồi nhiều sẽ làm hạn chế dòng chảy của máu tươi đem oxy tới não. Dễ nhận thấy hơn, nó dẫn đến những vấn đề với tư thế của đầu, cổ và cột sống.

Nhiều người đang làm việc với máy tính, điện thoại với cổ của họ hướng về phía trước. Vấn đề này cũng tạo thành một nguy cơ sau này.

Ngoài ra, ngồi lâu còn tạo áp lực lên xương sống, đồng thời không yêu cầu cơ bụng phải hoạt động. Về lâu về dài, nó dẫn đến tình trạng đau lưng và thoái hóa cơ bắp.

Hông của bạn cũng ở trong tình trạng tương tự khi ít vận động. Nó sẽ bó cứng lại trong khi máu ở chân lưu thông kém dãn đến giãn tĩnh mạch.

Suy giảm tuổi thọ

Không cần biết giới tính, cân nặng hay độ tuổi của họ là bao nhiêu, nguy cơ tử vong của những người có thói quen ngồi lâu một chỗ luôn luôn cao hơn những người khác. 

Thật khó tin rằng tuổi thọ, năng suất làm việc và thành công trong sự nghiệp của bạn có thể phụ thuộc vào vài phút đứng dậy mỗi giờ làm việc. Nhưng đó lại là sự thật. Nghiên cứu chỉ ra rằng đứng dậy và đi bộ khoảng 2 phút sau mỗi giờ làm việc sẽ kéo dài tuổi thọ của bạn thêm 33%, so với những người không làm điều này.

Còn với 3 giờ ngồi liên tục, các nhà khoa học đến từ Đại học Bristish Columbia cũng chỉ ra 10 phút đứng dậy hoạt động sau đó đã đưa trạng thái của động mạch trở lại bình thường.

Vậy công thức ở đây thật đơn giản, bạn hãy tự nhắc mình: “Đã đến lúc để đứng dậy một chút”.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam