Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hướng dẫn đưa người lao động sang Đài Loan, thực tập sinh sang Nhật Bản,.. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ảnh minh họa

Vốn pháp định 5 tỷ đồng

Cụ thể, doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là Công ty được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế và cá nhân Việt Nam. Tổ chức kinh tế tham gia góp vốn thành lập Công ty đề nghị cấp giấy phép không có cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Vốn pháp định đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 5 tỷ đồng.

Theo dự thảo, tổ chức bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ bao gồm:

1- Các phòng nghiệp vụ tại trụ sở chính của Công ty thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2- Các chi nhánh (nếu có) thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được giao nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều kiện cán bộ chuyên trách

Theo dự thảo, doanh nghiệp phải bố trí các cán bộ chuyên trách làm các nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, quản lý học viên, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, tài chính, hành chính và hỗ trợ lao động về nước.

Cán bộ chuyên trách phải đáp ứng các điều kiện sau: Ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với doanh nghiệp; không giữ vị trí là người quản lý doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép (do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) trong thời hạn 5 năm tính đến ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án; có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên; có kinh nghiệm về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài các quy định trên, cán bộ chuyên trách khai thác thị trường ngoài nước, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và quản lý lao động làm việc ở nước ngoài phải có trên 1 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cán bộ chuyên trách của các phòng nghiệp vụ tại trụ sở chính phải đảm bảo có cán bộ tốt nghiệp các chuyên ngành luật, ngành kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và tài chính/kế toán.

Người đứng đầu các chi nhánh được giao nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (nếu có) ngoài các tiêu chuẩn như đối với cán bộ chuyên trách phải có trên 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động như sau: Số lượng phòng học và phòng ở cho học viên phải phù hợp với số lao động mà doanh nghiệp đưa đi nhưng đảm bảo tối thiểu cho 100 học viên tại một thời điểm. Diện tích phòng học đáp ứng tối thiểu 1,4m2/học viên và diện tích phòng ở đáp ứng tối thiểu 3,5m2/học viên, có đầy đủ trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú. Phòng học, phòng ở và trang thiết bị thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê/mượn theo hợp đồng thuê/mượn cơ sở vật chất phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam