Du lịch 4 mùa nước Nhật (P.1)

Mùa thu - Mùa của lá đỏ và mùi vị của quả hồng

Không có từ ngữ nào có thể miêu tả hết vẻ đẹp của mùa thu Nhật bản, không có màu sắc nào có thể hoạ lại đầy đủ vẻ rực rỡ lại thâm trầm của cảnh sắc Nhật Bản lúc vào thu.

Phải gọi mùa thu Nhật Bản là bản giao hưởng của sắc màu: Đó là màu đỏ rực của những chiếc lá phong vào độ rộ nhất, màu vàng e ấp ngọt ngào, và cả màu xanh non mơn mởn của những chiếc lá chưa kịp đổi màu. Đó là màu vàng cam trong suốt của dòng nước phản chiếu lá cây.

Hay là sắc đỏ đến nhức nhối của những chiếc cổng Tori, màu nâu đen và rêu phong của mái chùa cổ, màu của những hạt mưa đọng lại trong veo như ngọc trên tán lá, và màu của những bộ Kimono của các thiếu nữ. 

Không chỉ là màu sắc, mùa thu Nhật bản cũng ánh lên qua mùi vị của những món ăn đặc sản: Mùi vị giòn ngọt tan trong miệng của quả hồng chín rộ, mùi của món nấm matsutake, hạt dẻ nướng, cá sanma…

Lại một lần nữa, Kyoto xuất hiện trong danh sách những địa điểm phải đến khi tới Nhật Bản vào mùa thu. Arashiyama, làng cổ Shirakawago – ngôi làng được chọn là Di sản của UNESCO, Nara…

Mùa đông - Tuyết và những lễ hội

Không phải là mùa đông với cái lạnh tê tái và bạn chỉ muốn cuộn mình bên lò sưởi, mùa đông nước Nhật lại hấp dẫn du khách bước chân ra ngoài để tham gia vào các lễ hội và thưởng thức các món ăn hấp dẫn.

Tại Hokkaido, những hoạt động trượt tuyết, các môn thể thao với tuyết biến mùa đông thành mùa nhộn nhịp nhất trong năm. Du khách có thể thử cảm giác một ngày tham quan với xe trượt tuyết được kéo bởi các chú chó, thử cảm giác ngâm mình dưới dòng sông đầy tuyết, hay ngắm thế giới hoang dã với các loài chim, hạc…

Đặc biệt, lễ hội tuyết Sapporo được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 2 hàng năm là một trong những lễ hội được yêu thích nhất của Nhật Bản.

Bên cạnh lễ hội tuyết Sapporo, lễ hội Yokote Kamakura tổ chức vào giữa tháng hai hàng năm có lịch sử hơn 450 năm. Tại lễ hội này, hàng trăm ngôi lều tuyết sẽ được chuyển tới, khách du lịch sẽ được mời vào trong lều và thực hiện những lời nguyện cầu cho thần nước, sau đó, họ sẽ được thết đãi bánh mochi và amazake (một loại thức uống ngọt).

Một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời khác rất được yêu thích bởi người dân Nhật và các khách du lịch, đó là lễ hội thắp đèn tại ngôi làng Shirakawago. Shirakawago được công nhận là di sản UNESCO.

Ngôi làng cổ được biết đến với những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, với mái lá dốc đứng nhìn xa như những bàn tay chắp lại, thực hiện những lời nguyện cầu. Vào mùa đông, Shirakawago bị phủ đầy tuyết, chỉ còn mái nhà và một phần cửa nhô lên, tạo thành khung cảnh cổ tích như trong các câu chuyện của Andersen.

Vào một số ngày duy nhất trong mùa đông, tuỳ theo tình hình thời tiết, lễ hội thắp đèn (hay còn gọi là Ogimachi) sẽ được tổ chức. Theo đó, toàn bộ các ngôi nhà cổ trong các ngôi làng sẽ đồng loạt thắp đèn trong khoảng thời gian từ 5h30 tối đến 7h30 tối.

Thấp thoáng trong những ngôi nhà cổ, ánh sáng ấm áp của các ngọn đèn toả bóng xuống nền tuyết trắng xoá sẽ tạo nên khung cảnh huyền ảo, thanh tịnh và thiêng liêng.

Năm 2018, Ogimachi sẽ diễn ra trong 4 ngày là 21/1, 28/1, 4/2 và 12/2. Hầu hết, những khách du lịch muốn chiêm ngưỡng và trực tiếp tham gia lễ hội thắp đèn Ogimachi đều phải đặt trước từ nhiều tháng và để đảm bảo ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội, chỉ một số ít khách du lịch mới được tham dự.

Theo Đào Linh/Reatimes.vn