Có một thực tế rất đáng quan ngại, rằng trong phần nhiều các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên không gian mạng, dường như đều có những nội dung giới thiệu, quảng cáo không đúng với bản chất của sản phẩm. Rất nhiều trang web bán hàng mỹ phẩm “thổi phồng” công dụng và thần thánh hóa mỹ phẩm như một liệu pháp điều trị cho những vấn đề về da khiến khách hàng hoang mang.

Thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên Thương Trường, tại website https://cocoshop.vn/, có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm được giới thiệu như: “kem trị nám, tàn nhang”, “Tinh dầu trị rạn da, mờ sẹo”, “kem trị nám”, “kem trị sẹo”… các sản phẩm trên đều giới thiệu được nhập khẩu từ Hàn Quốc, các nước châu Âu.

Cụ thể, với sản phẩm Dong Sung Rannce Cream, đơn vị này còn ghi rõ là Kem trị nám Dong Sung, sản phẩm này được sản xuất bằng nguyên liệu thảo dược thiên nhiên, an toàn 100% cho làn da đặc biệt rất phù hợp thích nghi với làn da của người châu Á. “Với công thức đặc biệtKem trị nám Dong sung sẽ giúp bạn loại bỏ mọi hiện tượng nám, rám da, vết thâm, đồi mồi, tàn nhan, dưỡng trắng sáng, trắng hồng”.

Trong khi đó, ngay trên bao bì của sản phẩm này, nhà sản xuất ghi dòng chữ bằng tiếng Anh rất rõ, rằng: Dong Sung Rannce Cream, dịch nghĩa tiếng Việt, thì đây chỉ là Kem dưỡng da mang nhãn hiệu Dong Sung (là sản phẩm của Dongsung Bio Farm Co.ltd, một doanh nghiệp ở Hàn Quốc) chứ không hề có thêm dòng chữ Trị nám như https://cocoshop.vn/ quảng cáo.

Không chỉ vậy, trên website https://cocoshop.vn/, sản phẩm Dong Sung Rannce Cream loại mini 10g và loại 70g mẫu mới còn ghi rất rõ, rằng: “Đặc trị các loại nám sâu, nám lâu năm, da rối loạn sắc tố và tàn nhang”.

 

 
Mập mờ công dụng mỹ phẩm Coco shop có lừa dối người tiêu dùng
Mỹ phẩm Dongsung Rannce Cream loại 10g và 70g mới đều được trang web cocoshop.vn quảng cáo là "đặc trị các loại nám sâu, nám lâu năm, da rối loạn sắc tố và tàn nhang".

Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: đặc trị, điều trị, trị mụn, trị nám, chữa khỏi, làm lành mụn; giảm/kiểm soát sự sưng tấy phù nề; loại bỏ/giảm mỡ/ giảm béo; diệt nấm; diệt virus; kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.

Theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, mỹ phẩm là một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông - tóc, móng, môi) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.

Nội dung quảng cáo mỹ phẩm cũng phải tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP. Theo đó, tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Thông qua nội dung nêu trên, dư luận đặt nghi vấn trang web https://cocoshop.vn/ đang cố tình công bố sai thông tin tác dụng của sản phẩm mỹ phẩm tới người tiêu dùng? Chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu về tình trạng cấp phép của những sản phẩm này để thông tin tới bạn đọc.

Thái Đạt

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/map-mo-cong-dung-my-pham-trang-web-cocoshop-co-lua-doi-nguoi-tieu-dung-106668.html