Vào mùa nước nổi, vùng miền Tây sẽ hút khách hơn và nhộn nhịp hơn nhờ những đặc sản dân giã chỉ vùng này mới có. Người dân lại chèo ghe vào những vùng nước để thu hái hay đánh bắt những đặc sản như mớ rau, con cá để về thay đổi khẩu vị bữa ăn cho cả gia đình.

Có người chờ đến mùa nước nổi, để về miền tây theo lời đồn đại về những món đặc sản dân giã, hay những người con xa xứ muốn tìm lại cảm giác của một thời ấu thơ. Dù gì đi chăng nữa, đã thử một lần những món rau đặc sản miền tây, lạ hay quen đều nhớ mãi.

Bông điên điển

Chẳng ai còn lạ lẫm với cái tên bông điên điển qua các bài dân ca, hò xứ miền Tây. Quen thuộc như thế nhưng loài hoa này chẳng có quanh năm vì thế nó được xem là đặc sản.

Canh cá linh bông điên điển

Nguyên liệu:

Cá linh, bông điên điển, mùi tàu (ngò gai), me xanh, gia vị.

Cách làm:

Cá linh làm sạch ruột, rửa sạch và để ráo. Bông điên điển nhặt bỏ lá thừa và cắt phần đài rửa sạch để ráo.

Đầu tiên đun nước sôi và thả me vào cùng cá linh, nêm gia vị vừa ăn đun sôi. Khi cá vừa chín thì thả bông điên điển vào.

Lẩu cá linh bông điên điển

Cá linh và bông điên điển là hai loại thực phẩm dành cho nhau, phải nấu cùng mới chuẩn vị và ngon hết ý.

Món lẩu này đặc biệt ở chỗ người miền Tây không dùng nước xương ninh mà nấu bằng nước dừa tươi để món lẩu có vị ngọt thanh dễ chịu.

Những bông điên điển cũng phải là loại vừa hái xuống còn tươi rói vàng ruộm. Thưởng thức món lẩu này đúng là một lần để nhớ trong đời.

Bánh xèo bông điên điển

Món ăn đặc sản của miền Tây nhưng nổi tiếng khắp đất Việt và bạn bè 5 châu. Món bánh đúng chuẩn và ngon chỉ có thể vào mùa nước nổi. Thời điểm ấy, bông điên điển được tẩm ướp gia vị xào qua để làm nhân.

Nguyên liệu:

Bột gạo, bột nghệ, tôm, thịt ba chỉ, nấm hương, hành hoa, giá đỗ, cà rốt, bông điên điển.

Cách làm:

Đầu tiên bột gạo được trộn cùng nước cốt dừa nhào nhuyễn rồi thêm 1 thìa cà phê bột nghệ cùng hành thái nhỏ đánh đều.

Tôm, thịt rửa sạch, thịt thái mỏng, nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân, cà rốt thái sợi. Bông điên điển tuốt bỏ cành cứng rửa thật sạch, để ráo nước.

Đậu xanh ngâm nước khoảng 30 phút rồi hấp chín. Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi láng đều bột bánh xèo. Lắc đều để bột trải đều khắp chảo.

Xếp lên bề mặt bánh một vài con tôm, thịt, thêm đỗ xanh, giá đỗ, cà rốt. Cuối cùng cho bông điên điển vào và đậy kín nắp chảo lại.

Đun lửa lớn từ 3-4 phút dùng muôi gấp bánh xèo làm đôi, rán đến khi phần vỏ vừa ý thì tắt bếp gắp bánh xèo ra đĩa.

Bông súng

Bông súng có khắp các hồ đầm ở Việt Nam nhưng chỉ ở miền Tây, loài hoa này mới được chuộng để chế biến nhiều loại đặc sản đến thế.

Bông súng mắm kho

Nguyên liệu:

Cà tím, bông súng, húng thơm, giá, bắp chuối, rau muống, ớt, sả, cá diêu hồng, tôm sú, thịt ba chỉ, mực tươi, mắm cá linh, mắm cá sặc.

Cách làm:

Cá điêu hồng đánh vảy làm sạch, tôm lột vỏ, mực làm sạch thái hình chữ nhật, thịt ba chỉ rửa sạch thái lát, cà tím thái khúc, chẻ làm bốn, sả băm nhuyễn.

Mắm cá linh, cá sặc cho vào nồi nấu rã mắm. Lược bỏ xác mắm, để lắng nước, thêm nước lọc, ớt, sả vào nồi mắm rồi đun sôi rồi nêm lại cho vừa ăn.

Làm nóng chảo dầu và cho sả vào phi thơm vàng. Tiếp đến cho cà tím vào đảo đều. Sau đó cho hỗn hợp đó vào nồi mắm.

Cho tiếp cá điêu hồng vào nấu chín. Sau cùng là cho mực, tôm vào và nấu chín, nêm gia vị vừa ăn.

Khi ăn bày bún ra bát kèm bông súng, húng thơm, giá và chan nước dùng vào. Mắm kho thơm ngon hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, giòn của bông súng, tạo nên món ăn đơn giản mà ngon tuyệt cú.

Canh bông súng nấu tôm

Nguyên liệu:

Tôm sú, cọng súng, bông súng, ớt, hành, tỏi băm, cà chua, ngò gai, ngổ, gia vị.

Cách làm:

Tôm rửa sạch bóc vỏ, băm sơ và ướp cùng chút bột canh. Cọng súng rửa sạch, tước vỏ cắt khúc. Bông súng rửa sạch để ráo, ngò, ngổ rửa sạch thái nhỏ, cà chua bổ múi cau.

Phi thơm hành tỏi băm, cho tôm vào xào sơ, thêm cà chua cắt hạt lựu vào xào đến khi cà chua mềm, nêm gia vị vừa ăn, cho cọng sung vào đảo đều rồi cho bông súng vào, tắt bếp.

Rau bồn bồn

Là loại rau quen thuộc của  người miền Tây, được thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12 hằng năm vào mùa nước nổi. Bồn bồn thực chất là một cây dại mọc hoang nhưng được người dân vớt về làm các món ăn và dần dần nó trở thành đặc sản.

Rau bồn bồn xào tôm

Nguyên liệu:

Tôm tươi, thịt lợn, bồn bồn ngâm chua, hành lá, tỏi và gia vị.

Cách làm:

Làm sạch tôm, bóc vỏ, bỏ đi phần đầu tôm, ướp với nước mắm cho ngấm gia vị. Thịt lợn rửa sạch thái vừa ăn và ướp cùng một chút đường.

Bồn bồn muối chua bỏ ra khỏi lọ, rửa qua với nước, bỏ bớt phần cọng già, thái khúc vừa ăn. Hành lá cũng rửa sạch, thái khúc.

Phi thơm tỏi băm và cho thịt lợn vào xào khi miếng thịt săn lại tiếp tục cho tôm vào xào trên lửa lớn. Khi tôm và thịt chín tới thì cho bồn bồn vào xào cùng.

Nêm gia vị vừa ăn và cho hành lá vào dảo rồi tắt bếp.

Rau bồn bồn nấu canh lươn

Nguyên liệu:

Rau bồn bồn, cà chua, me chín, lươn vàng, hành lá, mùi và gia vị.

Cách làm:

Làm sạch lươn và rửa sạch rồi thái khúc, ướp cùng chút gia vị để ngấm. Bồn bồn bỏ nước và thái miếng vừa ăn. Cà chua thái miếng, rau mùi rửa sạch thái nhỏ.

Cho me vào bát nước sôi, dầm nát để lấy nước cốt. Tiếp tục cho lươn vào nồi nước sôi rồi đổ nước cốt me vào. Cho 2 thìa cà phê đường, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm vào nồi đun sôi. Đến khi lươn chín, cho bồn bồn và rau mùi vào đun thêm 3 phút rồi tắt bếp.

Theo Thanh Vân/Reatimes