Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước có nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp. Do đó, từ xa xưa người phụ nữ Việt Nam đã không chỉ giỏi việc nhà mà còn đảm việc nước.

Qua các thời kỳ đấu tranh chống ngoại bang, những cái tên như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, chỉ huy vạn quân, cưỡi voi đánh giặc, khiến quân thù bạt vía đã đi vào lịch sử.

Theo dòng lịch sử, ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế….

Ngày 20/10 là ngày tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Ngày 20/10 là ngày tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.

– Năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

– Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.

– Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.

- Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ.

Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Chính vì vậy, vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này. 

Những bó hoa tươi thắm là món quà thể hiện tình cảm phổ biến nhất nhân ngày 20/10.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, mà tiền thân là Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày phụ nữ Việt Nam”.

Ngày nay, ngày 20/10 được xem là một dịp đặc biệt để đấng mày râu biểu lộ tình yêu thương, sự cảm thông và lòng biết ơn tới những người phụ nữ ở quanh mình. 

Khánh Nguyễn (tổng hợp)/ Theo GĐVN