Chuyện thường của dân buôn xe

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội đang ồn ào về vụ việc anh N.N.H.Nam ở Hoàn Kiếm, Hà Nội bức xúc vì đầu năm mua chiếc xe Mercedes-Benz C250 Exclusive đời 2015 giá trị 1 tỷ 230 triệu đồng (đã bao sang tên và đăng kiểm) tại showroom HD AUTO 99 Phạm Hùng, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội, nhưng xe đã bị tua từ 8 vạn km xuống còn 4 vạn km.

Khi biết thông tin này, không chỉ anh Nam mà rất nhiều người khác đã tỏ ra phẫn nộ và bực mình, “đừng tin vào quảng cáo nhé, bán gì mà chẳng nói hay. Các cụ nói buôn điêu bán hớt cấm có sai”; “bỏ ra một đống tiền lớn để dính cú lừa, xe đi nhiều vậy khác gì đã cũ lại còn rởm”; “tốt nhất mua của người quen biết, không thì cố gắng mua xe mới cho lành”; “bọn thất đức, lừa 1, 2 triệu còn đỡ điên, đằng này lừa cả tỉ đồng, bóp mồm bóp miệng tích cóp tiền chứ có phải dễ dàng gì đâu”;…

Tua lại km xe ô tô cũ là câu chuyện bình thường đối với dân buôn xe  

Tua lại km xe ô tô cũ là câu chuyện bình thường đối với dân buôn xe  

Theo ý kiến của nhiều người dân, một trong số những tiêu chí quan trọng khi mua xe cũ là kiểm tra km. Vì càng đi nhiều thì chất lượng xe giảm xuống, máy móc hay động cơ sẽ không bền như xe đi ít. Tuy nhiên, đối với dân chuyên buôn bán xe ô tô cũ, đây lại không phải là tiêu chí quan trọng để đánh giá một chiếc xe.

Anh Cường Anh (Hà Nội), một người có kinh nghiệm 15 năm buôn ô tô cũ cho hay, bất kỳ một cửa hàng, showroom hay công ty mua bán xe ô tô cũ nào cũng sẽ tân trang lại hàng rồi mới đem đi giới thiệu cho khách. Mẫu mã có bắt mắt thì người mua mới thích, nên việc tua lại số km là chuyện không hiếm.

“Khách hàng đừng quá ngạc nhiên vì điều này. Vì có cung thì mới có cầu, người Việt thích mẫu mã, vẻ bề ngoài nên họ mới làm vậy. Mua xe cũ, ít tiền những lại phải tìm xe đẹp, đi ít km, xe phải được bảo dưỡng tốt, máy móc còn zin, nghe giống như vừa xấu, vừa nghèo nhưng lại muốn lấy hoa hậu vậy. Rất vô lý. Để thỏa mãn khách hàng thì họ tua lại km.Tất nhiên, không phải người bán xe nào cũng buôn gian, bán lận như vậy, vì việc kiểm tra số km không khó, nên những dân buôn lâu năm như chúng tôi sẽ giới thiệu cho khách hiểu đây không phải điều quan trọng để quyết định có nên mua xe hay không”.

Đồng ý kiến với anh Anh về chất lượng của một chiếc xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, số km bị tua không nói lên nhiều thông tin quan trọng về một chiếc xe, nhưng anh Huy, chủ một showroom chuyên buôn bán xe cũ ở Long Biên, Hà Nội lại cho rằng, một chiếc xe bị tua lại quá nhiều số km thì khách hàng cũng nên cẩn trọng.

“Khi xe đã sửa đổi quá nhiều để lừa người mua như vậy thì họ cũng sẽ tìm cách “hóa phép” để biến một chiếc xe cũ nát thành một chiếc xe như mới lừa khách hàng, nhất là những ai không có nhiều hiểu biết nào về xe cộ hay khách lần đầu mua xe. Những chiếc xe như vậy lúc đầu khá ok, nhưng đi được một thời gian xe rất nhanh tã và xuống cấp. Người dân nên tỉnh táo khi mua xe ô tô cũ, khi phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào cũng cần phải chú ý và cảnh giác”, anh Huy nói.

Chất lượng phải đi kèm mẫu mã

Theo đánh giá của những người buôn bán ô tô cũ có kinh nghiệm lâu năm, tiêu chí mua xe của khách Việt và người nước ngoài khác nhau. Người Việt coi chiếc xe mình mua là tài sản, họ quan trọng chất lượng lẫn vẻ bên ngoài, giá cả, hãng xe rồi mới tới những yếu tố khác. Trong khi, người nước ngoài cho rằng, chất lượng chiếc xe mới là tiêu chí để họ xuống tiền.

Nói rõ hơn về vấn đề này, anh Nam (Hà Nội), dân chuyên buôn bán xe ô tô cũ, thành viên của câu lạc bộ (CLB) Offroad Hà Nội cho biết, thông thường người Việt sẽ dựa vào một số tiêu chí để đánh giá chiếc xe nên mua như: 1. Xe có tiết kiệm xăng hay không; 2. Xe có bị đâm đụng va quệt nặng hay bị ngập nước không; 3. Xe vận hành được bao nhiêu km; 4. Chất lượng xe còn bao nhiêu phần trăm; 5. Giá xe có rẻ hay không?

“Hiện nay, số lượng người mua xe cũ ngày càng tăng, do giá thành rẻ hơn, họ tiết kiệm được 12% tiền thuế và 20 triệu tiền biển so với xe mới thì xe cũ chỉ mất 500.000 đồng. Người Việt coi chiếc ô tô là tài sản, nên khi mua họ xem xét cũng khá kỹ lưỡng từ giá cả, chất lượng, tới mẫu mã… nhưng họ vẫn không thoát khỏi sở thích ưa mẫu mã. Xe bóng bẩy, bắt mắt thì dễ chào bán hơn so với một chiếc xe cũ những động cơ còn mới. Đây là điều kiến nhiều chủ showroom thực hiện việc tua km để phục vụ khách hàng”, anh Nam nói.

 Khi mua ô tô cũ, người Việt quan tâm cả chất lượng lẫn mẫu mã.

 Khi mua ô tô cũ, người Việt quan tâm cả chất lượng lẫn mẫu mã.

Trong khi đó, tiêu chí của những khách hàng coi ô tô là tiêu sản, tiêu biểu như người nước ngoài thì chất lượng mới là điều quan trọng nhất. “Họ sẽ đánh giá xe ô tô cũ qua các yếu tố sau: Chất lượng chiếc xe còn bao nhiều phần trăm; có đầy đủ tính năng an toàn hay không; xe phải đáp ứng nhu cầu trong việc sử dụng của chủ xe”, anh Nam khẳng định.

Nguyên nhân khiến cho người nước ngoài có tiêu chí mua xe khác người Việt là do, ở nước ngoài giá trị một chiếc xe chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam, tiêu chí cuộc sống cao hơn người Việt, nên khi mua họ đòi hỏi chất lượng xe phải còn 90 - 95%, đảm bảo an toàn, tiện dụng, sau đó mới tới các tiêu chuẩn khác.

“Khi tìm hiểu, họ sẽ yêu cầu người bán đem xe đi kiểm tra ở hãng, có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn họ mới nói chuyện tiếp. Giao tiếp trong quá trình mua xe cũng rất quan trọng, phải giải thích logic, cặn kẽ thì mới thuyết phục được họ. Tóm lại, người nước ngoài xem xét rất kỹ trước khi ký hợp đồng chứ không như nhiều người Việt, cứ ưng là lấy”, anh Nam nói.

Lời khuyên khi mua ô tô cũ

Theo anh Cường Anh (Hà Nội), một số khách hàng khá cân đo đong đếm giữa việc mua xe mới hay cũ và quan tâm tới yếu tố xe phải chính chủ, có bảo hiểm, chuẩn số km, chất lượng tốt, nội thất còn mới... Nhưng với dân buôn xe, đi nhiều hay ít km không quan trọng. Vì có những người, đi nhiều nhưng họ rất giữ gìn, đi bảo dưỡng, vệ sinh xe thường xuyên, không va quyệt, tai nạn. Chất lượng những chiếc xe này sẽ tốt hơn nhiều so với xe đi ít nhưng không được chăm sóc cẩn thận.

 Người dân nên cẩn trọng khi mua ô tô cũ

 Người dân nên cẩn trọng khi mua ô tô cũ

Khi mua xe ô tô cũ cần chú ý những điều sau:

Chất lượng: Khách hàng nên đem xe đi kiểm tra ở hãng hoặc những trung tâm sữa chữa xe uy tín, có tên tuổi để kiểm định chất lượng còn được bao nhiêu % so với xe mới. Chất lượng xe có tốt thì người bán hay mua đều có lợi, tạo sự hài lòng, an toàn cho người mua.

Giá thành: Khi mua xe khách nên quan tâm tới giá cả, vì điều này sẽ nói lên chất lượng của xe còn tốt hay không. Một chiếc BMW bán với giá 700 triệu đồng sẽ khác với CX5 bán với giá 700 triệu đồng.

Chi tiết lịch sử: Khi biết rõ điều này, khách hàng sẽ kiểm tra được sẽ có bị ngập nước hay va quyệt, tai nạn giao thông không? Xe chính chủ hay không? Khi biết những điều này, khách hàng sẽ tránh được những trường hợp mua phải trao qua tay nhiều chủ, mẫu mã đẹp nhưng chất lượng thì kém mà giá lại đắt.

Mã nhận dạng riêng (VIN): Kiểm tra để đảm bảo rằng chiếc xe đúng như mô tả trong hồ sơ về nhà sản xuất, mẫu mã, hệ thống động cơ, dạng hộp số và năm xuất xưởng.

Số km: Tuy điều này không quá quan trọng, nhưng nếu mua được xe đi ít km, bảo dưỡng tốt, không xảy ra lỗi quá lớn thì dù đời xe cũ một chút cũng vẫn tốt hơn xe mới, đi nhiều, lỗi lớn.

Bổ sung ý kiến của anh Anh, anh Nam (Hà Nội) đưa ra lời khuyên, để tránh bị lừa hay mua phải xe kém chất lượng, mọi người nên mua xe ở những địa chỉ uy tín, có tên tuổi lớn, làm việc trực tiếp với chủ showroom, không nên qua trung gian hay cò bán xe bởi điều này sẽ giúp khách hàng ký kết hợp đồng rõ ràng, có bảo hành và bảo đảm lâu dài.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới