Bẫy giá rẻ
Theo Kinh tế và Đô thị, càng về cuối năm, cuộc đua quảng cáo bất động sản (BĐS) lại càng nở rộ ở Hà Nội. Các băng rôn, banner với những lời quảng cáo “sốc” như: “2 tỷ đồng sở hữu ngay 2 căn hộ chung cư cao cấp”, “600 triệu đồng mua biệt thự liền kề”, “250 triệu tiền mặt sẽ có nhà”… treo nhan nhản khắp các tuyến đường quanh dự án.
Quả là bắt mắt, hấp dẫn và thu hút khách hàng khi nhu cầu mua nhà cuối năm tăng cao. Nhưng với nhiều thông tin “treo đầu dê, bán thịt chó” hoặc gây hiểu lầm, lập lờ khiến khách hàng bị “tung hỏa mù”.
Để gây sự chú ý với khách hàng, nhiều môi giới BĐS đã cố tình tung các chiêu thức quảng cáo dễ gây nhầm lẫn, mập mờ thông tin về giá cả sản phẩm. Tấm banner “250 triệu tiền mặt sở hữu ngay căn hộ Thăng Long Victory” đầy rẫy trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài đã khiến nhiều người giật mình vì độ rẻ.
Ngay lập tức, phóng viên liên hệ tới số điện thoại 0979232XXX in trên banner hỏi về "mức giá" 250 triệu đồng thì gặp môi giới nhận là nhân viên của sàn BĐS Phúc Hà Group trả lời: “Thông tin đó đúng là thế, mà cũng... không hẳn là thế (!?). Nếu chị rảnh, em có thể qua để tư vấn trực tiếp cho chị”.
Sau khi hẹn gặp, nhân viên tên H. này cho biết: “250 triệu đồng này thực chất là số tiền thanh toán cho đợt một, chiếm 30% tổng giá trị hợp đồng với căn hộ 59,8m2, có mức giá 815 triệu đồng. Hoàn thành xong đợt 1, chị sẽ có trong tay hợp đồng mua bán thì xem như đã sở hữu căn nhà nhưng phải tuân theo điều khoản hợp đồng đã quy định là đóng tiền đúng kỳ hạn 7 đợt sau”.
Phân khúc nhà giá rẻ đang được quảng cáo mập mờ để thu hút khách hàng, phân khúc cao cấp cũng vào cuộc với những quảng cáo hấp dẫn không kém. Cụ thể, dọc siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng, băng rôn quảng cáo được treo nhan nhản với nội dung: “2 tỷ đồng sở hữu ngay 2 căn hộ chung cư cao cấp Seasons Avenue” kèm theo lời chú thích: “Cơ hội chỉ có trong tháng 10”. Đây quả là thông tin hấp dẫn người mua nhà.
Qua tìm hiểu, phóng viên được nhân viên môi giới T., thuộc sàn BĐS Sen Vàng cung cấp thông tin khác xa với những lời quảng cáo “có cánh” trên tấm băng rôn của mình.
Về bản chất, khách hàng phải thanh toán theo 4 đợt để tiến hành làm hợp đồng mua bán chứ “đừng mơ” 2 tỷ đồng có ngay 2 căn hộ. “Cơ hội tháng 10 chỉ là giá trị các căn được chiết khấu cao hơn. Tiến độ đóng tiền dự án mỏng. Nếu căn hộ của chị có giá tầm 2 tỷ đồng, chị thanh toán đợt đầu tiên 20%, sau 2 năm đóng 30% thì mỗi tháng rơi vào 25 triệu đồng, với căn hộ 3 phòng ngủ là 40 triệu đồng/tháng. Nhận nhà đóng 45% và 5% cuối cùng khi nhận sổ đỏ. Chị có thể song song chọn mua 2 căn hộ, khi có nhu cầu, bên em sẽ giúp đỡ trong quá trình bán”- nhân viên T. cho hay.
Chị Nguyễn Phương Hạnh (Khuất Duy Tiến, Hà Nội) bức xúc: “Tại hàng loạt dự án chung cư giá rẻ, nhiều căn hộ được quảng cáo với giá hấp dẫn, thậm chí có căn được rao bán chỉ 45 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến trực tiếp dự án, vợ chồng tôi mới "té ngửa" vì ngoài tiền 45 triệu đồng đặt cọc giữ chỗ, phải chi thêm đủ các khoản khác trong vòng 7 đợt thanh toán sau. Cảm giác như bị lừa, vừa mất thời gian, công sức lại không được việc.
Không chỉ riêng chị Hạnh mà nhiều người dân có nhu cầu mua nhà ở thực khi đọc được các băng rôn, banner với những lời quảng cáo hấp dẫn đều khấp khởi mừng, nhưng khi đi vào thực tế mới biết mình bị lừa.
Nhầm còn hơn bỏ sót
Cũng trên Thời báo kinh doanh đưa tin trước đó, điểm chung, những dự án cao cấp từng áp dụng cách truyền tải thông tin rất khéo léo tới khách hàng.
Thời điểm này, một năm trước, chứng kiến những dự án cao cấp có giá căn hộ từ 1,6 - 4 tỷ đồng tại các quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm không ngớt "tấn công" người dùng điện thoại bằng tin nhắn.
Tại khu vực giao điểm giữa quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai, đang xuất hiện nhiều phướn quảng cáo về một dự án có tên Star Tower. Cụ thể thông tin về dự án: Valiant Complex - Khương Trung; cách Ngã tư Sở 500m; hàng trăm triệu đồng dành cho 30 khách hàng đầu tiên…
Liên lạc với số điện thoại đính kèm (0914.075.xxx), mới hay: Đây chính là dự án 283 Khương Trung (từng được biết tới dưới cái tên Videc Tower - chủ đầu tư Videc). Đầu dây bên kia cho biết: Chủ đầu tư đổi tên dự án nên bên bán hàng chúng em chỉ biết như vậy (!) Thực chất, việc đổi tên dự án, hoặc cung cấp thông tin kiểu úp mở, nửa vời (nhưng hấp dẫn về giá cả, khuyến mãi, chiết khấu) chỉ nhằm đánh vào sự tò mò của khách hàng.
Tiếp tục, một dự án khá "hót" khác tại khu vực Nguyễn Huy Tưởng - Nguyễn Tuân đang được 4 đơn vị bán hàng cùng lúc tham gia phân phối, cũng trình diễn cách thức chăm sóc khách hàng khá thú vị. Sau khi biết rõ người viết là phóng viên, đang nắm đầy đủ thông tin về dự án, K. (làm việc cho đơn vị môi giới thuộc hệ thống phân phối BĐS quy mô bậc nhất ở Hà Nội) vẫn nhiệt tình tư vấn về chi tiết căn hộ, giá bán.
"Em có số điện thoại của anh nhờ danh sách khách hàng bên phòng tư vấn cung cấp. Chắc họ nhầm lẫn quên "lọc"… Nhưng không sao, biết đâu tới đây anh cũng có nhu cầu mua căn hộ dạng này", K. chữa cháy.
Bóng “mờ” uy tín
Thực tế kiểu quảng cáo "nhà giá rẻ" như trên dù khiến người mua tức “méo mặt” cũng không cãi được người bán.
Theo một môi giới BĐS đã hành nghề lâu năm, nội dung thông tin đăng tải trên băng rôn, banner quảng cáo trước khi in và xuất hiện trên thị trường ít nhất phải được duyệt qua cấp trưởng phòng của sàn phân phối. Có những dự án khắt khe thì truyền thông chủ đầu tư sẽ gửi mẫu hợp lệ cho các sàn sử dụng.
Tuy nhiên, nhân viên kinh doanh (sale) luôn bị áp về doanh thu. Trong vòng 2 tháng, nếu sale dự bị không mời được khách lên dự án để tư vấn thì không có lương. Trong trường hợp môi giới được nhận, phát sinh doanh thu nhưng không đảm bảo sẽ lại xuống dự bị. Từ đó có thể các môi giới này tạo ra những “mẹo” quảng cáo mập mờ để thu hút khách.
Hầu hết các quảng cáo dạng "tốt khoe, xấu che" đều không sai mà chỉ không đầy đủ thông tin. Ví dụ, một căn nhà bán giá 2 tỷ đồng thì chỉ cần thanh toán 25% là có giấy tờ hợp đồng mua bán để sở hữu nhà trên giấy. Đó là lý do tại sao quảng cáo 300 triệu đồng sẽ sở hữu căn nhà là không sai, nhưng thiếu phần quan trọng “đây là số tiền thanh toán đợt 1”. Bản chất của quảng cáo chỉ đưa thông tin cơ bản cho người mua nhà, ai quan tâm thì nên đến tận nơi để liên hệ, kiểm chứng thông tin.
“Chưa bao giờ trình độ quảng cáo thu hút khách hàng của môi giới BĐS khủng khiếp như hiện nay. Về lâu dài, nếu những quảng cáo che đậy thông tin quan trọng, dễ gây hiểu lầm, khiến khách hàng cảm giác như bị lừa thì chính DN BĐS sẽ chịu thiệt thòi về uy tín. Lúc đó, tự DN nhà đất sẽ điều chỉnh thông tin và tự khách hàng đưa ra nhận định.
Người mua nhà nên tìm hiểu chi tiết về điều kiện để hưởng lợi ích, ưu đãi của các chương trình rồi mới ra quyết định sử dụng hay không chứ không chỉ “võ đoán” nghe quảng cáo là đủ” - ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.