Cụ thể, theo "Phiếu kết quả kiểm nghiệm" số 3041 do Viện trưởng NIFC Lê Thị Hồng Hảo ký ngày 05/04/2016 thì 2 lon nước Rồng đỏ có NSX là 19/02/2016 và HSD là 19/11/2016 có hàm lượng chì là 0,085mg/l trong khi hàm lượng cho phép là 0,05mg/l.

Hàm lượng chì trong thành phẩm nước tăng lực Rồng đỏ là 0,085mg/l trong khi hàm lượng cho phép là 0,05mg/l.

Trước đó, như thông tin đã phản ánh, theo Phiếu kết quả kiểm nghiệm Acid Citric (chất được dùng để tạo vị chua, điều vị và bảo quản trong thực phẩm và nước giải khát sử dụng trong việc sản xuất C2 và Rồng đỏ) của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia có số hiệu 3600/PKN-VKNQG do PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo ký ngày 21/4/2016 cho thấy hàm lượng chì là 0,84mg/l. Trong khi đó, hàm lượng chì cho phép là 0,5mg/l trong nguyên liệu.

Nguyên liệu Acid Citric sử dụng trong sản xuất nước giải khát C2 và Rồng đỏ cũng có hàm lượng chì vượt quy định cho phép. 

Như vậy, với 2 phiếu kết quả trên, thành phẩm và chất liệu sản xuất nước tăng lực Rồng đỏ của URC Hà Nội có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.  

Ngày 10/05, Chánh Thanh tra Bộ y tế cũng đã ký quyết định thành lập đoàn công tác khảo sát tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm của URC Việt Nam tại miền Bắc và miền Nam. Đồng thời, đoàn cũng sẽ làm việc với URC Việt Nam để làm rõ quy trình đảm bảo VSATTP của công ty này.

Liên qua tới sự việc này, Cục An toàn thực phẩm cũng chủ động cùng chi cục VSATTP Hà Nội lấy 05 mẫu sản phẩm C2 và 05 mẫu sản phẩm Rồng đỏ ngẫu nhiên trên thị trường thuộc các lô sản xuất khách nhau, đồng thời, Cục An toàn thực phẩm lấy mẫu nguyên liệu  Acid Citric tại nhà máy công ty TNHH URC Việt Nam để kiểm nghiệm hàm lượng chì và yêu cầu đơn vị kiểm nghiệm trả kết quả nhanh nhất có thể để công bố.

Chi Cục VSATTP Hà Nội tiến hành lấy sản phẩm C2 và Rồng đỏ kiểm nghiệm. 

Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý: Việc chủ động kiểm nghiệm nguyên liệu, sản phẩm trước khi sản xuất, kinh doanh là quyền của các nhà sản xuất, vì trên thực tế nhiều nhà sản xuất, kinh doanh chủ động kiểm soát, kiểm nghiệm sản phẩm, nguyên liệu trước khi sản xuất hoặc nhập khẩu. Nếu không đạt chất lượng họ có thể chủ động không sản xuất hoặc không ký kết hợp đồng nhập khẩu. 

Cơ quan quản lý chỉ có thể xử lý nếu tổ chức, cá nhân nào cố tình đưa nguyên liệu hoặc sản phẩm không bảo đảm chất lượng vào sản xuất, kinh doanh. 

Quan điểm của Cục An toàn thực phẩm trước bất cứ thông tin liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm đều phải kiểm tra, xác minh và công bố khách quan, chính xác, minh bạch, với mục tiêu số một là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng bên cạnh đó cũng phải bảo đảm những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp./. 

Theo Hà Anh/Gia đình Việt Nam