Cách mạng 4.0 lan tràn mọi ngõ ngách

Cuộc cách mạng 4.0 áp dụng cho các nước đang phát triển làm cho xã hội thay đổi theo hướng tích cực. Một trong số đó là các phương tiện công cộng.

Nhiều người lo ngại, cách mạng 4.0 có mặt trái là sẽ làm cho con người bị thay thế dần bởi máy móc, công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, với lĩnh vực gọi xe công nghệ thì khác, nó hoàn toàn mang lại lợi ích cho khách hàng.

Giờ đây muốn đi bất cứ đâu, chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại thông minh thì xe ôm hay taxi sẽ đỗ xịch ngay tận cửa.

Doanh nghiệp trong xu thế của cách mạng 4.0 sẽ sống trong thế giới phẳng, cạnh tranh với toàn cầu, đồng nghĩa với việc họ phải vận động hết mình và luôn trong tâm thế ở trường đua. Nếu doanh nghiệp nào thờ ơ với xu thế này cũng đồng nghĩa tự bước ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Đối với lĩnh vực gọi xe trực tuyến thì công nghệ 4.0 được ứng dụng rõ ràng và hiệu quả nhất và vì thế các doanh nghiệp luôn phải vận động hết mình, nếu không sẽ bị bật ra khỏi cuộc chơi.

Vận động hay "chết yểu"?

Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX (hoạt động lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử) cho rằng, một doanh nghiệp trong thời đại 4.0 phải sở hữu được 3 yếu tố quan trọng: Thương hiệu; chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Khi đảm bảo hội đủ ba yếu tố này, doanh nghiệp mới có thể đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực gọi xe công nghệ chiếm miếng bánh thị phần cao như Grab, Go-Viet là của nước ngoài. Chính vì vậy, về khoản vốn đầu tư có thể không phải là thách thức lớn.

Đối với các hãng của người Việt khác như Fast-Go, Vato Aber hay thậm chí là Mai Linh thì họ khẳng định nguồn vốn là điều khó khăn trước mắt. Chính vì vậy, trong chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” chiếu trên VTV1, CEO của Fast-Go - ông Nguyễn Hữu Tuất đã thẳng thắn thừa nhận rằng, không thể cạnh tranh với các hãng ngoại về nguồn vốn mà phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, về dịch vụ thì có vẻ các hãng xe công nghệ nhỏ đang chưa làm tròn vai của mình và một số hãng cũng đã "chết yểu".

Đầu tháng 11/2017, hãng taxi truyền thống Mai Linh đi cùng xu hướng, nhanh chóng ra mắt dịch vụ gọi xe ôm công nghệ Mai Linh Bike tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với mục tiêu đạt 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020. Tuy nhiên, không lâu sau thời điểm ra mắt, hầu như trên các con phố không còn bóng dáng của Mai Linh Bike. Có thể, Mai Linh Bike chưa có dịch vụ khuyến mãi, chăm sóc khách hàng tốt khiến cho hãng này không ghi được dấu ấn trên thị trường.

Một ứng dụng khác của Việt Nam là VATO cũng khá rầm rộ khi được hãng vận tải Phương Trang đầu tư vốn, nhưng rồi hãng này cũng mất hút khi chưa có nhiều chương trình hấp dẫn tài xế và khách hàng. Trả lời truyền thông, ông Trần Thanh Nam - Giám đốc điều hành VATO thừa nhận, sau khi ra mắt rầm rộ, ứng dụng gọi xe này đang ở giai đoạn chững lại.

Còn Aber – được xem là làn gió mới khi tuyên bố không thu chiết khấu của tài xế. Tuy vậy, chỉ 2 tháng sau khi ra mắt, ngày 10/8, Aber bất ngờ thông báo dừng hoạt động khi app có quá nhiều vấn đề khiến người dùng khó sử dụng.

Điểm sáng nhất trong hãng xe của người Việt là FastGo, có tiềm lực tài chính khi được đầu tư vốn lớn từ quỹ VinaCapital. Hãng này liên tục tung ra các gói khuyến mãi, trợ giá cho khách hàng và đối tác. Khi mới ra mắt, FastGo gặp nhiều vấn đề về trục trặc phần mềm nhưng rồi cũng nhanh chóng khắc phục để đưa vào hoạt động ổn định. Nhưng FastGo không thể khiến người Việt nhớ lâu vì chiến dịch kinh doanh quay đi quẩn lại cũng giống như các hãng khác trên thị trường, không đổi mới và không nhiều dịch vụ. Thậm chí có nhiều người còn nhầm lẫn FastGo với Go-Viet.

Được ca ngợi là hãng có tiềm lực tranh đua – Go-Viet bước vào thị trường Việt với tâm thế sẵn sàng chiến đấu với các hãng xe công nghệ hiện có. Chính vì vậy, dù mới ra mắt nhưng hãng đã gây ấn tượng khá tốt đến người dùng. Thế nhưng hành trình của Go-Viet khó có thể nói là suôn sẻ khi đã tỏ ra kém bền vì để xảy ra nhiều lùm xùm về an toàn cho hành khách hay dùng chiêu khuyến mãi “xổi” cho cả đối tác và khách hàng. Đến giờ, đã ra mắt được 2 tháng nhưng phần mềm của Go-Viet vẫn liên tục bị kêu ca và hãng cũng không thực hiện được thêm chương trình chăm sóc khách hàng nào.

Muốn phát triển, các doanh nghiệp trong thời đại 4.0 bắt buộc phải nỗ lực cải thiện, thay đổi để dịch vụ hoàn chỉnh hơn, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn ở chiến lược. Nhận định về vấn đề tiềm lực phát triển của các hãng gọi xe công nghệ, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh nguyên tắc “Anh nào mạnh thì anh đó phát triển, anh nào xây dựng được chiến lược phát triển bền vững thì anh đó thắng. Bao nhiêu sản phẩm hàng hoá ra đời lâu rồi nhưng lại chết vì sản phẩm mới ra tốt hơn, chất lượng hơn. Nói như vậy để thấy rằng, loại hình dịch vụ nào chất lượng tốt, phục vụ được cho xã hội thì loại hình ấy sẽ phát triển. Xét cho cùng, chất lượng dịch vụ là điều quan trọng nhất”.

Miếng bánh thị phần trong lĩnh vực gọi xe công nghệ bây giờ đang nghiêng về Grab nhất. Không phải bởi Grab là nhân vật "gạo cội" nhất mà cách hãng này "sống" cùng cuộc cách mạng 4.0 với những dịch vụ đến tay khách hàng được chăm sóc kỹ lưỡng.

Từ ngày ra mắt, Grab vẫn thực hiện đều đặn các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng cũ và chăm sóc tốt cho những khách hàng mới. Hãng cũng liên tục phát triển thêm các ứng dụng mới phục vụ nhu cầu cuộc sống như GrabFood, Grabnow, dịch vụ cho thuê xe…

Gần đây, Grab còn hé lộ đề án thực hiện các gói chăm sóc an toàn cho khách hàng và đối tác bằng những ứng dụng mới, những buổi huấn luyện chăm sóc sức khỏe và cả bắt tay với các ông lớn khác như Microsoft để phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt…

Có thể nói rằng, dù rất nhiều hãng mới nhảy vào cuộc chơi nhưng Grab vẫn không dậm chân tại chỗ và không ngủ yên ở thế “ông lớn” trong làng gọi xe trực tuyến. Hãng này luôn vận động, nỗ lực để mang lại những dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng. Đó mới là cách để tồn tại lâu dài trên con đường gọi xe trực tuyến ở thời đại 4.0.

Theo Mộc Trà/Đô Thị Mới