Cụ thể, 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời sẽ được lập gồm: chốt số 1 trên quốc lộ 20, tại điểm giáp ranh giữa địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai) và tỉnh Lâm Đồng; Chốt số 2 trên quốc lộ 1, tại điểm giáp ranh giữa xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và tỉnh Bình Thuận.

Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nói trên sẽ kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của ASF vào Đồng Nai.

Có thể nói, đang dần hồi phục sau những “cơn bão giá” liên tiếp, ngành chăn nuôi heo tại Đồng Nai – nơi được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước lại đối diện với nguy cơ mới: nguy cơ từ dịch tả heo Châu Phi. Tại Đồng Nai, dù chưa phát hiện heo bị nhiễm bệnh, song cả người chăn nuôi lẫn cơ quan quản lý đang chủ động các giải pháp phòng chống dịch, kể cả tình huống có dịch xảy ra.

thu phu nuoi heo dong nai cang minh ung pho truoc dich asf
Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Hình minh họa.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú ý Đồng Nai, cho biết: hiện giá heo hơi giữa miền Nam và miền Bắc, miền Trung đang có sự chênh lệch. Trong đó, giá heo hơi ở miền Nam đang ở mức cao hơn, do đó, việc vận chuyện heo từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam tiêu thụ dự báo sẽ tăng. Trong khi đó, hiện bệnh ASF đang bùng phát mạnh tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung nên nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào Đồng Nai qua việc vận chuyển heo là rất lớn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước với khoảng 2,4 triệu đầu con. Ngay khi nắm thông tin dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở phía Bắc, Đồng Nai đã lập tức tổ chức họp bàn tìm biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tỉnh bắt đầu tổ chức các hội nghị từ tỉnh tới cơ sở, cung cấp cho người chăn nuôi thông tin về dịch và các giải pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh các giải pháp giám sát dịch tễ.

Có thể thấy, cả người chăn nuôi và ngành chức năng Đồng Nai đang “gồng mình” tìm phương án chống dịch tả heo Châu Phi.

Nguyễn My

Theo tbck.vn