Mì gói không tốt cho sức khỏe?

Bác sĩ Trần Văn Ký, chuyên gia thực phẩm, Hội An toàn thực phẩm Việt Nam băn khoăn, không rõ tin đồn ăn mì ăn liền độc hại có từ đâu, nhưng thỉnh thoảng thấy có những thông tin nói về vấn đề đó rất thiếu khoa học và thiếu căn cứ.

“Có thông tin bảo ăn mì ăn liền bị tim mạch, suy thận, hại gan, ung thư… nhưng không có bất cứ chứng cứ khoa học nào. Tôi cũng chưa thấy có nghiên cứu nào nói rõ mà đa số từ suy luận của người dùng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nhiều người nghĩ sản phẩm này chứa chất bảo quản, chất phụ gia nên độc hại. Nhưng người tiêu dùng cần hiểu rõ các chất phụ gia được phép đưa vào trong sản xuất thực phẩm thì hàm lượng và tiêu chuẩn luôn nằm trong sự cho phép của Bộ Y tế", bác sĩ Ký cho biết.

mi

Nhiều người lo ngại mì gói gây ung thư (Ảnh minh họa)

Vị bác sĩ cũng nhấn mạnh, mì ăn liền đã được Ban kỹ thuật Codex quốc tế thiết lập tiêu chuẩn CODEX STAN 249-2006 (tiêu chuẩn của Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế). Tại Việt Nam, Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam cũng ban hành TCVN 7879:2008 đối với các sản phẩm mì ăn liền.

Theo đó, mì ăn liền của các nhà sản xuất lớn ở Việt Nam đều phải đảm bảo tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên liệu và phụ gia sử dụng, hàm lượng cho phép…

Do vậy, người tiêu dùng có thể tin tưởng, an tâm chọn loại mì ăn liền được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành và giám sát chất lượng, được sản xuất bởi những công ty uy tín, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thế giới chưa ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh mì gói là nguyên nhân gây ung thư. Những tin đồn về tác hại của mì gói khiến người tiêu dùng rơi vào tình trạng vừa ăn vừa lo.

Phân tích dưới góc độ của một chuyên gia công nghệ thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trên thực tế, việc sản xuất mì ăn liền ở các công ty uy tín đều phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế và rất phổ biến như: bột mì, muối ăn, bột ngọt, dầu chiên, ớt, tỏi, hành, rau củ sấy khô…

Việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào ở các công ty lớn, có uy tín cũng rất chặt chẽ, đảm bảo tất cả yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Vì thế, không thể có tình trạng nguyên liệu bị hư hỏng hoặc không rõ nguồn gốc được đưa vào sản xuất.

Nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng bị gắn mác gây ung thư

Có một thực tế, không chỉ mì gói mà rất nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác cũng đang bị gắn mác “gây ung thư” như thịt bò, thịt heo…, khiến bữa cơm gia đình luôn đi kèm nỗi sợ.

Nói về nguy cơ ung thư đang xuất hiện ngày càng nhiều, Bác sĩ Lương Lễ Hoàng – hiện công tác tại Trung tâm Ôxy cao áp TP.HCM cho biết: “Với những tiến bộ trong kỹ thuật phân tích hiện nay của ngành hóa học, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều chất nghi ngờ sinh ung thư. Thậm chí, đã có báo cáo về việc chất sinh ung thư trong hạt gạo thân thương mà mấy tỷ người da vàng đã ăn từ nhiều ngàn năm qua!”.

Theo bác sĩ, chưa có nghiên cứu nào khẳng định mì ăn liền gây ung thư. Và người tiêu dùng cần phân biệt rằng “thực phẩm chứa chất có thể gây ung thư” khác xa với các “tác nhân gây ung thư” như tia phóng xạ, độc tố đi-ô-xin (dioxin), hóa chất trong khói và chất thải công nghiệp…,

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn phải tiếp xúc với các chất có thể sinh ung thư từ xung quanh, nhưng quá trình dẫn đến ung thư luôn do nhiều yếu tố quyết định. Ví dụ như: Hàm lượng chất “có thể gây ung thư” cao hơn mức cho phép, sức đề kháng yếu, khả năng đào thải chất độc của gan và thận kém, lối sống phản khoa học, môi trường ô nhiễm… Do vậy, sẽ rất oan uổng cho thịt bò, gạo hay mì gói nếu chúng ta quy kết là các thực phẩm này gây ung thư.

Sự cẩn trọng là cần thiết nhưng nếu nhìn đâu, ăn gì cũng sợ ung thư thì e rằng chúng ta sẽ chết sớm vì stress và lo lắng chứ không phải vì các thực phẩm ăn vào.

 

Theo Giadinhvietnam.com