Giá tăng trở lại

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có một số vùng nuôi ốc hương chính như: xã Vạn Hưng (Vạn Ninh), xã Vạn Thọ, phường Ninh Diêm, Ninh Hải (TX Ninh Hòa), xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh)… với tổng diện tích hàng trăm hecta.

Theo khảo sát của PV tại các vùng nuôi trên, hiện diện tích thả nuôi không còn nhiều, vì thời điểm này trong mùa mưa bão.

Giá ốc hương thương phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng trở lại.

Như tại xã Cam Thịnh Đông với diện tích ao nuôi khoảng 70 ha. Tuy nhiên theo ông Lê Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông, hiện toàn xã chỉ còn vài hecta nữa là chưa thu hoạch. Hầu hết các diện tích đã được bà con thu hoạch trước bão số 5 và số 6, tức đầu tháng 10-11/2019. Tuy nhiên do giá ốc thương phẩm thấp, dao động từ 130-150 ngàn đ/kg, cộng với tỷ lệ nuôi bị hao hụt cao nên hầu hết người nuôi thua lỗ hoặc không có lãi mấy.

Tương tự, ông Trần Ngọc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng cho biết, toàn xã có khoảng 135 ha ốc hương. Đến nay chỉ khoảng 70 ha còn nuôi ốc, trong đó nhiều diện tích mới thả.

Theo ông Phú, vụ nuôi ốc năm nay trên địa bàn xảy ra dịch bệnh nên tỷ lệ người nuôi ốc thành công rất ít. Nông dân thu hoạch đúng thời điểm giá thấp, dao động từ 130 - 135 ngàn đồng/kg (size từ 120 - 150 con/kg), nhiều người thua lỗ nặng.

Về giá ốc hương, từ ở mức 180 - 200 ngàn đ/kg xuống còn 135 ngàn đồng/kg là do bắt đầu từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm nay Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch. Theo người nuôi ốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đây là mức giá thấp và chưa bao giờ giữ ở mức giá thấp kéo dài đến 6 tháng liền không nhích lên. Mãi đến khoảng 1 tháng nay giá ốc hương mới tăng trở lại, hiện khoảng 200 ngàn đ/kg (size 150 con/kg).

Hiện giá ốc size 150 con/kg, có giá 200 ngàn đồng.

Với giá ốc này, theo anh Trần Thanh Huy, một người nuôi ốc ở xã Vạn Hưng, nếu nuôi đạt, người nuôi lãi từ 40 - 50 ngàn đ/kg. Tuy nhiên, anh Mai Văn Trung, một hộ nuôi ốc cùng xã Vạn Hưng vẫn không phấn khởi.

Anh cho biết, gia đình anh thả 1,5 triệu giống cho 5.000 m2 ao nuôi. Đến thời điểm này ốc đã được 7 - 8 tháng, quá thời kỳ thu hoạch khoảng 2 tháng. Nguyên do ốc nuôi chậm lớn, hiện chỉ đạt 200 con/kg. Cộng với thời gian qua, ốc bị hao hụt rất nhiều nên thu hoạch anh chẳng hy vọng có lãi.

Liên lạc với một DN chuyên thu mua ốc và XK sang thị trường Trung Quốc ở xã Vạn Hưng thì được xác nhận hiện giá ốc hương được thu mua khoảng 200 ngàn đ/kg (size 150 con/kg) và thậm chí giá còn tăng. Nguồn cung rất ít, cho nên DN ngoài thu mua ốc trong tỉnh còn phải “săn” ốc ngoài tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận để xuất sang Trung Quốc… Mỗi ngày DN chỉ mua được khoảng 5 tấn là cùng, không như vài tháng trước muốn mua bao nhiêu cũng có.

“Giá ốc tăng mạnh là do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng. Tuy nhiên hiện nguồn ốc đạt yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc rất hạn chế”, DN chuyên thu mua ốc và XK sang thị trường Trung Quốc ở xã Vạn Hưng chia sẻ.

Sẽ xây dựng mô hình nuôi ốc hương VietGAP

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu nông thủy sản (trong đó có ốc hương) sang thị trường Trung Quốc, thời gian qua Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến hộ nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến thủy sản về các quy định thị trường Trung Quốc, Sở NN-PTNT còn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp các địa phương và các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân, các vùng sản xuất, doanh nghiệp thu mua, đóng gói đáp ứng các quy định về ATTP.

Hiện nguồn cung ốc hương rất khan hiếm vì trong mùa mưa bão nên ít còn người nuôi.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lân sản và thủy sản Khánh Hòa, đối với các doanh nghiệp thu mua, bao gói xuất khẩu nông thủy sản, đơn vị đã phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung bộ và Trung tâm Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho xuất khẩu (mã số xuất khẩu).

Ông Lê Tuấn Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung bộ, cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 11 doanh nghiệp thu mua, bao gói ốc hương, tôm hùm được Chi cục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó 4 cơ sở được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trước đó, do ốc hương rớt giá nên nhiều hộ nuôi thu hoạch thua lỗ.

Còn đối với hộ nuôi trồng thủy sản (có ốc hương), theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, đã tuyên truyền, hướng dẫn nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Về quy trình nuôi, phải tuân thủ các quy định, để sản phẩm đủ điều kiện xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Về lâu dài để ổn định đầu ra sản phẩm nông thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng tới xuất khẩu bền vững, lãnh đạo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản theo đúng quy định. Đồng thời rà soát, thống kê các cơ sở thu gom nông thủy sản trên địa bàn và các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các hộ nông dân trong tỉnh, để có kế hoạch hỗ trợ các cơ sở đáp ứng các quy định của pháp luật về ATTP. Đối với nuôi ốc hương, trong năm 2020 địa phương sẽ triển khai mô hình chuỗi cung cấp thủy sản an toàn theo VietGAP.

Theo Báo Nông Nghiệp