Bán sản phẩm không rõ nguồn gốc

Báo Gia đình Việt Nam nhận được phản ánh về việc sản phẩm mỹ phẩm trên website kinh doanh trực tuyến, sàn thương mại điện tử Tiki bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chưa được kiểm chứng chất lượng.

Chị N.T (quận Thanh Xuân – TP. Hà Nội) phản ánh, vào ngày 30/3/2019, chị có đặt mua 1 đơn hàng trên Tiki với mã 805671287 cho sản phẩm “Nước hoa Hồng Trị Mụn Some By Mi” có giá 255.000 đồng. Theo địa chỉ khách hàng cung cấp, đơn vị giao hàng của Tiki đã chuyển tận tay chị N.T sản phẩm vào ngày 5/4/2019.

hieuunganh.com_5cb7399cdb963.png

Thông tin thể hiện trên nhãn phụ được ghi rất sơ sài: “Nước hoa hồng trị mụn Some By Mi và một dòng mã vạch”.

Cũng theo chị N.T, trên bề mặt sản phẩm đó không có tên công ty phân phối độc quyền hay nhà nhập khẩu và nhà phân phối ở Việt Nam. Thêm nữa, chữ trên bao bì sản phẩm hoàn toàn bằng nhiều ngôn ngữ nước ngoài, mã vạch đều được in sơ sài, hoàn toàn không có thêm thông tin nào bằng tiếng Việt về nhà sản xuất, nhà phân phối…

Chị N.T chia sẻ: “Tôi quá thất vọng về sản phẩm và thái độ làm việc của Tiki. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc tôi có gọi điện theo tổng đài 19006035 để phản ánh. Hai ngày sau có một người xưng là quản lý chăm sóc của Tiki gọi điện, giải thích rằng: Em có kiểm tra với phía đơn vị hỗ trợ pháp lý của TiKi cùng với nhà cung cấp sản phẩm là Unicorn Store. Hiện tại nhà cung cấp đã gửi cho Tiki giấy chứng thực sản phẩm này nhập khẩu về Việt Nam bán.

Khi sản phẩm nhập về Việt Nam phụ đề tiếng việt là do công ty nhập phải dán chứ không phải là bên nhà cung cấp (Unicorn Store) hay nhà sản xuất họ dán. Trong trường hợp này đơn vị nhập khẩu không có dán trên kiện hàng vì chưa có thông tin. Cho nên bên em chứng thực sản phẩm này là hàng thật và chị có thể đem sản phẩm này đến tất cả các showroom hoặc các cửa hàng phân phối chính thức của sản phẩm này để kiểm tra lại”.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 10/4, một nhân viên của Tiki có số 02871082234 gọi điện cho chị N.T và giải thích rằng: "Bên phía Tiki không thể cung cấp giấy tờ pháp lý liên quan đến sản phẩm cho khách hàng. Nhưng nếu khách hàng đến văn phòng tại TP. Hồ Chính Minh thì có thể xem trực tiếp những giấy tờ pháp lý này và khẳng định một lần nữa không thể gửi qua mail cho khách hàng".

Nữ nhân viên còn nói rằng, phía Tiki đã báo cho bên nhà bán hàng kiểm tra bên đó vì cả lô hàng ấy mang qua kho Tiki, toàn bộ số sản phẩm trên đều không có nhãn phụ. Tiki cũng nhận lỗi về mình khi không kiểm tra hàng đã để lưu kho mà bán cho khách hàng".

Câu hỏi đặt ra, lý do gì mà Tiki không thể gửi cho khách hàng xem giấy tờ của sản phẩm để khách hàng nhận biết hàng thật hay giả?. Việc vào tận TP.HCM để xem giấy tờ là việc đánh đố khách hàng không thể chấp nhận được.

Phía Tiki nói gì? 

Để có thông tin khách quan, đa chiều phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã liên hệ với Công Ty Cổ Phần TiKi về sự việc trên.

Đại diện công ty này cho biết hơn 10 ngày sau khi nhận được thông tin khách hàng phản ánh, ngày 19/04/2019 Tiki chính thức gửi email đến khách hàng, chú thích rõ những thông tin về sản phẩm này, đồng thời cung cấp những chứng từ liên quan.

"Sản phẩm Nước Hoa Hồng Trị Mụn Some By Mi được phân phối chính thức bởi CÔNG TY CỔ PHẦN MỸ PHẨM QUỐC TẾ THÙY DUNG tại Việt Nam. Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Quốc tế Thùy Dung đã ủy quyền phân phối sản phẩm này cho Công ty TNHH Thương Mại Điện Tử GIZA (Nhà Bán Hàng UNICORN STORE) với tư cách là Đơn Vị Bán Hàng Chính Thức theo Giấy Công Bố.

Sản phẩm Nước Hoa Hồng Trị Mụn Some By MiView in ERP đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn nhập khẩu và lưu hành hàng hóa tại Việt Nam. Đồng thời để khách hàng có thể yên tâm về xuất xứ, nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm, Tiki cũng gửi các chứng từ, bao gồm: Giấy công bố sản phẩm; giấy chứng nhận Đơn vị bán hàng chính thức; hóa đơn mua hàng và bảng kê chi tiết" - Đại diện Công ty Cổ Phần TiKi cho biết.

Trước câu trả lời trên khi trao đổi với phóng viên chị N. T cho rằng, có nhiều chỗ mâu thuẫn. Bởi Tiki có gọi cho tôi nói rằng phía nhãn hàng cung cấp cũng định dán tem phụ, tuy nhiên sau đó phía nhãn hàng phát hiện ra lỗi ở một số thành phần, chính vì thế mà họ mới quyết định in lại. Nhưng do lỗi sơ suất nên những sản phẩm ấy mới bán ra cho khách hàng...

Thực tế mà nói, việc bán hàng thương mại điện tử phía đại lý, nhà phân phối sẽ liên hệ với trang website bán hàng trực tuyến để kí kết hợp tác. Những sản phẩm như mỹ phẩm phải có giấy tờ, tem mác cụ thể để khi cần xuất trình cho đơn vị quản lý và khách hàng nắm rõ.

Tuy nhiên qua sự việc này nhiều người tỏ ra băn khoăn có phải Tiki đang cố tình ủng hộ việc đối tác đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc vào bán đánh lừa khách hàng hay không? Với lô hàng như trên, có bao nhiêu sản phẩm đã đến tay khách hàng, ai là người chịu trách nhiệm khi gặp rủi ro?

Còn tiếp...

Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4233/SCT-QLTM đề nghị sở, ngành liên quan cảnh báo tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử.

Công văn nêu rõ, qua nắm bắt tình hình thực tế và phản ánh của một số phương tiện truyền thông đại chúng gần đây về tình trạng kinh doanh thương mại điện tử trên không gian mạng tồn tại nhiều website, app thương mại điện tử, tài khoản mạng xã hội kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thương mại điện tử thì kịp thời thông báo đến đường dây nóng để kịp thời xử lý giải quyết.

Theo Giadinhvietnam.com