Điều gì khiến người lao động "chán việc"? 

85% ứng viên được hỏi cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại. Và có tới 90% nhóm người lao động mới vào nghề, tức là mới ra trường và có công việc làm thấy không hài lòng với công việc mà họ đang có. 

Con số "thất vọng" về việc làm này giảm dần theo độ tuổi cũng như cấp bậc của người lao động, 87% ở cấp độ nhân viên từ 1-3 năm kinh nghiệm và giảm còn 76% ở cấp độ quản lý/quản lý cấp cao.

Xét về giới tính, lao động nữ có xu hướng không hài lòng với công việc cao hơn so với nam giới (lần lượt là 87% ở nữ và 82% ở nam).

Còn theo một khảo sát khác của VietnamWorks thì phần lớn người lao động muốn "nhảy việc" vì lý do không thấy có cơ hội thăng tiến cũng như phát triển bản thân trong công việc hiện tại.

 Nhiều người lao động chưa hài lòng với công việc hiện có

Kết quả khảo sát của JobStreet đã đưa ra rất nhiều lý do khiến người lao động cảm thấy chưa hài lòng với công việc hiện tại, trong đó có 3 nguyên nhân chính được nhắc đến, đó là: 

  • Việc làm nhàm chán, không có hướng đi sự nghiệp rõ ràng (chiếm 55%)
  • Mức lương chưa phù hợp (54%)
  • Không học hỏi được từ việc làm (37%)

Có 3 nguyên nhân chính khiến người lao động không hài lòng với công việc hiện tại 

Ngoài 3 nguyên nhân kể trên thì cũng có nhiều lý do khác khiến cho người lao động không còn nhiệt huyết với công việc của mình, đó là: Thiếu các khoản phúc lợi, phụ cấp hỗ trợ và phạm vi giao việc thiếu rõ ràng,...

Trước tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng thì vẫn có một lượng lớn người lao động mới tốt nghiệp, ra trường cảm thấy thất vọng về công việc hiện tại do không được làm việc đúng chuyên môn.

Con số thống kê được qua JobStreet là 42% số người mới vào nghề cảm thấy điều này. 

Tiếp tục hay sẽ "nhảy việc"?

Dù chưa hài lòng với công việc nhưng có rất ít người có ý định nhảy việc 

Có 33% ứng viên tham gia khảo sát cho rằng những gì họ làm chưa được trả lương xứng đáng, 39% cho rằng mức thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng yêu cầu cuộc sống cơ bản của họ.

Tuy nhiên, dù có than phiền về công việc hay mức lương hiện tại thì phần lớn người lao động vẫn cố gắng làm việc tại công ty cũ bởi vì họ thấy thiếu tự tin khi tìm việc mới. Và đặc biệt, trong tình trạng tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao, sự cạnh tranh việc làm gắt gao như hiện giờ thì dường như "nhảy việc" không phải là một lựa chọn "khôn ngoan".

Khảo sát của JobStreet cho hay, đối với nhóm lao động mong muốn tìm được việc mới do không hài lòng với công việc cũ thì chỉ có 4,2% ứng viên nhận được lời mời làm việc tại công ty mới trước khi nghỉ việc tại công ty cũ.

Có khoảng 25% ứng viên cho biết họ có thể tìm được việc làm mới trong khoảng 1 tháng và 42% ứng viên cho rằng họ có thể tìm việc từ 1-2 tháng. Gần 30% ứng viên nhận thấy họ phải mất tới 3 tháng hoặc nhiều hơn nữa để tìm được một công việc mới.

Như đã nói, vì không tự tin vào việc tìm kiếm công việc mới hoặc tâm lý ngại bắt đầu với môi trường mới mà có tới 48% ứng viên quyết định không "nhảy việc" dù chưa hài lòng với công việc hiện có. Có khoảng 45% ứng viên vẫn ở lại vì lý do khó khăn tài chính.

Chỉ có chưa đến 21% ứng viên cho biết họ có thể giải quyết được các vấn đề tồn tại để giúp công việc được tốt hơn.

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam