4G, viết tắt của “fourth-generation”, là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 cho đến 1,5 Gb/giây, tức gấp rất nhiều lần công nghệ 3G hiện tại.

Người phụ trách các hoạt động kinh doanh của Viettel cho biết, công ty đã ký hợp đồng mua thiết bị 4G và sẽ sớm triển khai lắp đặt.

Theo dự kiến, đến hết năm 2015 và chậm nhất là đầu năm 2016, nhà mạng này sẽ hoàn thành lắp đặt 12.000 trạm BTS 4G, đảm bảo phủ sóng tất cả các huyện trên cả nước.

Viettel đi đầu nâng tầm mạng di động cho smartphone tại Việt Nam.

Viettel đi đầu nâng tầm mạng di động cho smartphone tại Việt Nam.

Ông Đỗ Minh Phương cũng cho biết, khi sử dụng 4G, người dùng sẽ phải đổi sim di động nhưng vẫn giữ nguyên số liên lạc.

Từ nay đến cuối năm 2015, nhà mạng này đã có kế hoạch đầu tư thêm 23.000 trạm phát sóng mới, nâng tổng số lượng trạm mà Viettel sở hữu lên con số 90.000 trạm.

Trong số đó, 40.000 trạm 3G, 38.000 trạm 2G, và 12.000 trạm 4G sắp triển khai. "Cuối năm 2015, vùng phủ 3G của Viettel sẽ tương đương 2G, đạt 100% số xã và phủ 95% dân số trên cả nước", ông này nhấn mạnh.

Phó tổng giám đốc của Viettel cho biết, với công nghệ mới, vùng phủ của 12.000 trạm BTS 4G sẽ hẹp hơn vì diện tích phủ sóng của mỗi trạm sẽ thu lại nhằm đảm bảo tốc độ và chất lượng tải dữ liệu.

“Với dịch vụ dữ liệu tốc độ cao, càng xa trạm thu phát sóng thì tốc độ và chất lượng càng giảm nên mật độ trạm phải dày hơn”, ông Phương chia sẻ.

Lãnh đạo này tiết lộ, Viettel sẽ không có giá cước riêng cho 4G mà chỉ có một giá cước duy nhất cho dịch vụ dữ liệu nói chung (2,5G-3G-4G và kể cả 5G sau này).

Mới đây, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho Viettel ngay trong năm 2015 để Viettel có thể tự bỏ vốn đầu tư và chính thức triển khai 4G từ năm 2016.

Việc Viettel đưa thêm dịch vụ 4G vào phục vụ khách hàng là đã đặt các nhà mạng vào một cuộc đua mới không dễ ứng phó tức thì.

Tuy nhiên cuộc đua này được PGS.TS Vũ Trí Dũng – Khoa Marketing, ĐH kinh tế quốc dân HN cho rằng khách hàng sẽ người được lợi vì có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ tiện ích hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá lại rẻ. Tức là biến động theo chiều hướng có lợi.

Phân tích theo xu thế chung PGS.TS Vũ Trí Dũng cho rằng phản ứng của các nhà mạng sẽ đi theo mục tiêu của họ.

Mục tiêu của Viettel là thị phần nhưng MobiFone có thể không phải là thị phần mà là hình ảnh, chất lượng, lợi nhuận.

"Nếu, họ nhận thấy 4G là công nghệ mới vượt trội và người dùng có xu hướng chuyển từ 3G sang dùng 4G, buộc các nhà mạng phải chạy theo, đồng thời phải nâng cấp, cải thiện tiện ích và dịch vụ tốt hơn.

Nhưng nếu 4G với 3G không có sự khác biệt quá lớn về mặt công nghệ, thay vì chạy theo 4G các nhà mạng còn lại có thể sẽ đi theo xu hướng khác. Để giữ được thị phần và cải thiện thị phần họ có thể đi vào cải thiện giá cả và dịch vụ chăm sóc. Xu hướng chung của người dùng vẫn mong muốn có một dịch vụ tốt hơn với giá cả hợp lý nhất', ông Dũng dự đoán./.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho rằng, một đặc điểm của 4G rất quan trọng đối với các nhà mạng là có giá thành rẻ hơn 3G.

Vì vậy, nếu nhà mạng chỉ cần đặt giá 4G bằng với giá 3G thì đã có lợi nhuận tốt. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), tốc độ chuyển tải dữ liệu của 4G LTE so với 2G tăng 12.000 lần và giá thành giảm 99%. Như vậy, khi triển khai 4G có giá thành thấp khách hàng sử dụng dữ liệu nhiều hơn sẽ đem lại nguồn doanh thu tốt cho nhà mạng.

Theo ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei, việc triển khai 4G sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho quốc gia, đem lại lợi ích cho nhà mạng và người dùng nhưng các mạng di động không nên đặt giá 4G quá cao so với 3G. Chúng ta nên để giá ví dụ 3G 1GB là 3 USD thì 4G 2GB là 4 USD.

Như vậy, tổng giá 4G cao hơn nhưng giá mỗi bit lại rẻ hơn. Đó là một mô hình có thể đem lại thành công. Ở những nước đã triển khai 4G như Mỹ, Nhật, Trung Quốc thì mô hình đó đều hiệu quả, tức là giá cao hơn nhưng dung lượng lớn hơn nhiều. Trong mạng 4G thì tốc độ luôn là điều nổi bật, vì vậy các nhà mạng sẽ dùng cách đó để cạnh tranh.

Ông Qiu Heng khẳng định, việc triển khai 4G có lợi cho nền kinh tế của các quốc gia. Nếu mật độ băng rộng tăng 10% thì GDP có thể tăng 1%, như vậy 4G sẽ có lợi cho nền kịnh tế, cho nhà khai thác và người sử dụng.

Quý Dương (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online