Tuy nhiên, hầu như mọi người đều không quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các nguyên liệu lẩu nướng.    

Nguồn nguyên liệu lẩu nướng mất ATVST

Lẩu nướng là món ăn được rất nhiều thực khách yêu thích vì thơm ngon, dễ ăn, hợp túi tiền, đa dạng về món. Cứ khoảng 19g hàng ngày, các quán nướng trên những tuyến phố Hà Nội như Ngọc Lâm (quận Long Biên), Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) lại tỏa khói thơm nức. Dù những quán ăn này được bố trí tạm bợ, chế biến ngay trên vỉa hè bụi bặm nhưng vẫn thu hút khá đông thực khách. Tại những quán này, phục vụ đủ các món nướng như: nầm, chân gà, lòng, tràng, dạ dày, cổ hũ... Một số quán có thêm hải sản như: Tôm, cua, cá, mực... Các nguyên liệu được chủ quán tẩm ướp đủ loại gia vị, phẩm màu trở nên hấp dẫn, nướng lên thơm lừng. Giới trẻ đặc biệt thích thú với lẩu nướng và họ hầu như không quan tâm nguyên liệu có đảm bảo ATVSTP hay không.

Mới đây, hình ảnh đống chân gà được chế biến một cách mất vệ sinh được chia sẻ trên mạng khiến không ít người giật mình

Bạn Đặng Minh Quang, SN 2001, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Lẩu nướng thường giá cả bình dân, hợp túi tiền với học sinh, sinh viên. Hơn nữa, món ăn đa dạng nên đây là địa điểm lý tưởng để tụ tập bạn bè vào dịp cuối tuần”. Bác Đào Thị Thông, SN 1940, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Chỉ nhìn vào mắt thường cũng thấy công đoạn chế biến, vệ sinh thực phẩm, dụng cụ, bát đĩa không đảm bảo ATVSTP. Nguồn cung cấp các thực phẩm như nội tạng, hải sản từ đâu, có đảm bảo tươi ngon không cũng là một vấn đề đáng quan tâm”.

Trong thực đơn của lẩu nướng, chân gà là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy được quảng cáo cáo nguồn gốc rõ ràng, nhưng đa số chân được chu mua từ các đầu mối cấp hai, chân gà nhiễm bẩn với giá rẻ từ chủ lò mổ gia cầm, thậm chí có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mới đây, hình ảnh đống chân gà được chế biến một cách mất vệ sinh được chia sẻ trên mạng khiến không ít người giật mình. Trên ảnh, hàng nghìn chiếc chân gà được vứt thành đống dưới đất, được tẩy rửa ngay trên mặt sân bẩn thỉu.

Không chỉ chân gà, các nguyên liệu khác của món lẩu nướng cũng thường được các nhà hàng nhập với giá rẻ ở các nguồn khác nhau. Rau, củ, quả chỉ được sơ chế, rửa qua loa với ý nghĩ khi nướng chín là mọi vi khuẩn đều bị “chết hết”. Nhiều quán lẩu nướng được dựng tạm bợ trên vỉa hè nên nguồn nước để rửa bát đĩa khá khan hiếm. Gia vị tẩm ướp các món nướng cũng không có nguồn gốc. Các chủ hàng chỉ quan tâm gia vị đó có đủ thơm để “át” được vị ôi của thực phẩm hay không. Chính vì vậy, ATVSTP không được đảm bảo khiến nguy hại đến sức khỏe thực khách.

Tăng cường triển khai công tác kiểm tra ATVSTP

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ không ít vụ vận chuyển nội tạng động vật không có giấy tờ nguồn gốc, thậm chí bốc mùi hôi thối mang đi tiêu thụ. Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, ngày 26-9-2019, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 12H-7038 do ông Long Ngàn Quân, SN 1972, trú tại số 47, đường Phan Đình Phùng, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe ô tô đang vận chuyển 500kg nầm lợn cấp đông được đựng trong các thùng xốp có dán tem, nhãn ghi chữ Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Khi tiếp xúc với không khí, toàn bộ số nầm lợn chuyển thành màu đen, chảy nước, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

Nhiều quán lẩu nướng được dựng tạm bợ trên vỉa hè nên nguồn nước để rửa bát đĩa khá khan hiếm. Gia vị tẩm ướp các món nướng cũng không có nguồn gốc

Ông Long Ngàn Quân khai nhận, toàn bộ số thực phẩm trên được mua gom tại khu vực thôn Cốc Nam, xã Tâm Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để vận chuyển về các tỉnh phía sau, đưa vào các cơ sở bán đồ nướng ăn đêm bán kiếm lời. Trị giá hàng hóa vi phạm là 35 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 10 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Long Ngàn Quân về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, trình cấp có thẩm quyền xử phạt ông Long Ngàn Quân số tiền 30 triệu đồng. Đồng thời, buộc ông Long Ngàn Quân tự tiêu hủy số thực phẩm trên theo đúng quy định của pháp luật trước sự giám sát của các lực lượng chức năng.

Mặc dù đã được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nhưng chân gà trôi nổi, không rõ nguồn gốc nhập vào Việt Nam vẫn diễn ra. Rạng sáng ngày 21-8, lực lượng CSGT CA tỉnh Quảng Ninh phát hiện xe ô tô tải BSK 34M-4275 do Nguyễn Danh Quân, SN 1987, trú tại Kim Thành – Hải Dương điều khiển có hơn 200kg thịt bò và 800kg chân gà đông lạnh đều đã quá hạn sử dụng, không giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tại thời điểm điểm tra, toàn bộ số thực phẩm “bẩn” được đóng gói trong các thùng xốp la liệt chữ Trung Quốc. Từng tảng thịt bò lớn đã đổi màu cùng với từng lô chân gà đông đá bốc mùi hôi. Số thịt bò “bẩn” thường được “rửa sạch” tại các nhà hàng, số chân gà “hết đát” sẽ được phân phối nhỏ lẻ cho các điểm bán chân gà nướng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã xảy ra 30 vụ ngộ độc thực phẩm làm 798 người nhập viện và 5 người tử vong. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo, để bảo đảm ATVSTP, phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, người tiêu dùng cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Người dân không nên chủ quan, sử dụng tràn lan các loại thực phẩm vỉa hè, thức ăn đường phố.

Theo ông Trần Văn Chung, PGĐ Sở Y tế Hà Nội, khi chưa chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi khôn bảo đảm ATVSTP. Các cơ quan chức năng cần công khai và xử phạt những cơ sở không đảm bảo ATVSTP khi bị kiểm tra để người dân biết và lựa chọn.

Trên thực tế, ngoài việc phải nộp phạt vi phạm hành chính, chi phí tiêu hủy, chủ hàng sẽ phải chịu. Tuy nhiên, sau khi bắt giữ, hầu hết chủ hàng đều “bỏ của chạy lấy người”. Vậy nên, những khó khăn về kinh phí và tìm kiếm đơn vị có đủ chức năng để tiêu hủy nội tạng bẩn cũng đang thực sự là trở ngại trong cuộc chiến chống “thực phẩm bẩn” của cơ quan chức năng hiện nay.

Lẩu nướng tuy là món khoái khẩu, nhưng để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân cần tự nâng cao nhận thức về ATVSTP. Các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên cảnh báo về nguy cơ mất ATVSTP của thức ăn đường phố. Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm và hơn hết, quy hoạch các khu ăn uống, tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè.

Theo Pháp luật & Xã hội