Hàng loạt dấu hiệu sai phạm

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường Bạch Đằng (thuộc địa phận Cảng Hà Nội, phường Thanh Lương) có 5 - 6 căn biệt thự cao 2- 3 tầng, được quây tôn kín mít, cùng với đó là bãi tập kết vật liệu xây dựng “mọc” tràn lan.

Người dân nơi đây cho biết, những căn biệt thự và kho bãi trên đều thuộc chủ đầu tư là Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng.


Biệt thự được mọc trên hành lang thoát lũ.

Biệt thự được mọc trên hành lang thoát lũ.

“Dọc bờ sông Hồng mà người ta cho san lấp đất đá, xây biệt thự thì thật vô lý. Đã thế, doanh nghiệp còn ngang nhiên san lấp xây nhà kho, bến bãi chứa hàng hóa ngay trên hành lang thoát lũ không thể nào chấp nhận được”- Một người dân bức xúc nói.

Trên báo Kinh tế Nông thôn, bà N.T.M., một người dân phường Thanh Lương cho biết: “Trước đây, khi có con đường mới (đường bê-tông kéo dài từ ngã ba đường Lãng Yên đến cửa phía Nam giao với đường Nguyễn Khoái), chúng tôi mừng lắm vì thoát được cảnh bụi bặm, bẩn thỉu nhưng cũng từ đó dọc bên bờ sông Hồng người ta cho san lấp đất đá rồi nhiều căn biệt thự mọc lên”.

Cùng nhận định, ông L.V.T.  cho biết: “Không hiểu ai cấp phép mà doanh nghiệp ngang nhiên san lấp đất đá dọc sông, xây nhà kho, bến bãi chứa hàng hóa ngay trên hành lang thoát lũ”.

Được biết, tuyến đường trước Cảng Hà Nội dài 1,8km, khởi công vào tháng 6/2009. Đến ngày 13/9/2010 tổ chức cắt băng khánh thành. Đây là tuyến đường được đầu tư, nâng cấp mới hoàn toàn. Nhưng trong thời gian khởi công, Cảng Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Sao Nam Sông Hồng để kinh doanh du lịch trong thời gian 50 năm. Cũng từ đó, các biệt thự, kho bãi được hình thành, ngang nhiên lấn chiếm hành lang an toàn thoát lũ sông Hồng.

Không ít biệt thự được xây kiên cố nhưng chưa được cưỡng chế?

Không ít biệt thự được xây kiên cố nhưng chưa được cưỡng chế?

Mốc chỉ giới đã rõ nhưng chủ đầu tư  vẫn coi thường pháp luật.

Mốc chỉ giới đã rõ nhưng chủ đầu tư vẫn coi thường pháp luật.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 5, Điều 7 - Luật Đê điều năm 2008: “Nghiêm cấm việc xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”.

Cũng theo điều 12 - Nghị định 139/2013/NĐ-CP quy định rất rõ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm. Cụ thể, phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.

Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng đối với hành vi vi phạm quy định.

Ai “che” cho Sao Nam Sông Hồng? 

Để có thêm thông tin đa chiều, phóng viên tờ Kinh tế Nông thôn đã liên hệ làm việc với ông Trần Ngọc Thắng, Phó giám đốc Cảng Hà Nội. Ông Thắng cho biết: “Năm 2007, trước khi Công ty Khai thác vận tải thủy Cảng Hà Nội được cổ phần hóa thì đã ký kết với Công ty Sao Nam Sông Hồng hợp đồng hợp tác có thời gian 50 năm. Theo hợp đồng đó, Công ty Sao Nam Sông Hồng được sử dụng diện tích đất khoảng 20.000m2 vào mục đích kinh doanh, khai thác du lịch. Năm 2010, Công ty Sao Nam Sông Hồng tiến hành xây dựng một loạt hạng mục biệt thự ngay sát sông Hồng, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn thoát lũ”.

Trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Ngọc Thắng, Trưởng phòng tổng hợp cảng Hà Nội thừa nhận: “Việc xây dựng các công trình trên hành lang an toàn thoát lũ của công ty là sai, Thanh tra xây dựng Thành phố đã xuống đo đạc rất cẩn thận, chi tiết việc này và đã có kết luận”.

Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Lương, phân trần, những sai phạm của Công ty Sao Nam Sông Hồng trên địa bàn phường bà chưa nắm rõ vì mới về tiếp quản chức Phó chủ tịch UBND phường từ năm 2014. Khi chúng tôi đề nghị được cung cấp hồ sơ thì bà Thảo  “bối rối”, hẹn buổi làm việc khác sẽ cung cấp đầy đủ.

Xung quanh việc Công ty Sao Nam Sông Hồng xây dựng vi phạm hành lang an toàn thoát lũ, đơn vị liên doanh là Cảng Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều lần làm việc với UBND phường Thanh Lương, UBND quận Hai Bà Trưng, Chi cục Quản lý đê điều TP.Hà Nội, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội để tìm hướng giải quyết. Nhưng tuyệt nhiên sau những buổi làm việc đó không có bất kỳ động thái nào từ cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, tháo dỡ những công trình vi phạm này.

Từ thực tế trên có thể thấy “âm mưu” của Công ty Sao Nam Sông Hông, bản hợp đồng 50 năm liên doanh liên kết làm du lịch chỉ là lý do để “chiếm đất”  kinh doanh biệt thự, kho bãi và các hoạt động vận tải khác.

Trước thực trạng trên đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm có chỉ đạo quyết liệt để xử lý nghiêm việc vi phạm đang xảy ra trên địa bàn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

Theo Phạm Bá (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam