Giải quyết bài toán tài chính cá nhân

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, anh M. Phương (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, sau khi ra trường 5 năm, anh vẫn chỉ là nhân viên bán điện thoại với thu nhập dưới 6 triệu đồng/tháng.

Với mong ước “làm một điều gì đó cho chính mình”, anh quyết định mở cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, việc thuê cửa hàng, người bán, nhập hàng,.. cũng tốn một khoản kha khá mà tích cóp của hai vợ chồng không thấm vào đâu.

Hai bên gia đình cũng không có nhiều để giúp đỡ, bạn bè thì không ai có sẵn khoản tiền lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thì gần như không thể vì 2 vợ chồng còn đang thuê trọ, không có tài sản gì để thế chấp.

Khó khăn về vốn, hai anh chị tính đến việc vay tín dụng đen. Tuy nhiên, nhìn những trường hợp từng bị siết nợ đến mức khánh kiệt, bản thân người vay phải bỏ trốn tại ngay khu nhà mình ở, vợ chồng anh Minh không dám liều.

Giữa lúc định từ bỏ ý định khởi nghiệp, vợ chồng anh Minh được giới thiệu hình thức vay tiêu dùng từ các công ty tài chính (CTTC).

Sau nhiều ngày dành thời gian tìm hiểu về hình thức vay, cách trả nợ, lãi suất cũng như tham khảo kinh nghiệm của những người từng vay trước đó, anh Minh quyết định vay 70 triệu đồng trong thời gian 18 tháng với lãi suất xấp xỉ 20%/năm.

“Tính ra việc vay tiêu dùng từ CTTC không những rẻ hơn so với vay tín dụng đen nhiều mà còn nhanh chóng, dễ dàng, không cần chứng minh thu nhập, không đòi hỏi tài sản thế chấp mà chỉ cần giấy tờ cá nhân”, anh Minh chia sẻ. 

 

Từ cửa hàng đầu tiên được khởi nghiệp nhờ vốn vay tiêu dùng, đến nay anh Minh đang có 3 cửa hàng thời trang với tổng lợi nhuận khoảng 45 triệu/tháng, giúp giải quyết hoàn toàn gánh nặng chi tiêu gia đình mà anh từng rất khó khăn.

Điều đáng nói, những trường hợp như anh Minh không phải là hiếm bởi nhu cầu vay vốn để khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh nhỏ hay mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống cá nhân và công việc là có thật và rất lớn.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn phi chính thức (tín dụng đen, vay bạn bè, gia đình,..) thường tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi vay vốn từ ngân hàng lại không dễ dàng khiến nhiều người gặp khó khăn về vốn.

Đây cũng chính là lý do khiến ngày càng có nhiều người tìm tới các khoản vay chính thức từ các CTTC với nhiều lợi ích đáng kể.

Đặc biệt, trong bối cảnh hành lang pháp lý cho thị trường tiêu dùng đang ngày càng được hoàn thiện, số lượng các CTTC tham gia ngày một lớn với các loại hình sản phẩm phong phú hơn, tính cạnh tranh cao hơn, thị trường minh bạch hơn thì đây có thể được coi là lựa chọn tối ưu cho người tiêu dùng khi có nhu cầu vốn nhỏ lẻ.

Động lực thúc đẩy nền kinh tế

Đề cập đến những lợi ích của vay tiêu dùng, TS.Luật sư Bùi Quang Tín khẳng định người tiêu dùng là người được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất từ hình thức tài chính tiêu dùng từ các CTTC.

Tài chính tiêu dùng giúp người dân kết hợp nhu cầu hiện tại với khả năng thanh toán trong tương lai, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp, bởi các đối tượng này thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay do khó chứng minh khả năng trả nợ.

Đồng thời, theo ông Tín, cho vay tiêu dùng cũng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho người dân, từ đó giúp họ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, tạo nền tảng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác một cách tối ưu.

 

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh: “Đây là một trong những phương tiện tích lũy tốt nhất cho những người thu nhập thấp”.

“Ví dụ, hai vợ chồng nọ cùng làm trong khu công nghiệp, tổng lương khoảng 8-10 triệu/tháng nhưng cần mua xe máy 15-20 triệu đồng. Nếu muốn tự mua chiếc xe máy thì họ chỉ có cách nhịn ăn ròng suốt 2 tháng hoặc đi vay mượn. Tuy nhiên, nếu vay qua công ty tài chính thì thủ tục rất đơn giản, họ có thể tích lũy trả dần. Trong 6 tháng - 1 năm là họ có thể trả hết nợ mà vẫn có xe để đi”, ông Hòe giải thích.

Trên thực tế, rất nhiều khách hàng không chỉ sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng một lần mà thường có xu hướng quay trở lại mỗi khi có nhu cầu chi tiêu.

Nói thêm về lợi ích của vay tiêu dùng, Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng cho vay tiêu dùng không chỉ giúp người đi vay giải quyết nhu cầu vốn cấp thiết mà còn là đòn bẩy kích thích sản xuất phát triển, giúp thay đổi diện mạo ngành tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

“Cho vay tiêu dùng giúp thúc đẩy sức mua của người dân tăng nhanh, qua đó đẩy mạnh quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa của thị trường, đặt các nhà sản xuất vào môi trường cạnh tranh hơn để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, từ đó thúc đẩy việc phát triển nền kinh tế nói chung”, ông Tín nhấn mạnh.

 

Hoàng Ngân/Reatimes.vn