Số 13, đặc biệt là thứ Sáu ngày 13, được xem là bất hạnh, rủi ro. Ở nhiều tòa nhà, người ta đổi tên tầng 13 thành 12A hay 14A. Không ai tổ chức các dịp đặc biệt như giới thiệu sản phẩm mới hay khai trương cửa hàng vào thứ Sáu ngày 13. Những ngôi nhà có địa chỉ số 13 thường rất khó bán.

Tuy nhiên, liệu có phải nỗi sợ này chỉ là một sự mê tín dị đoan vô căn cứ hay đó là một điều bí ẩn mà khoa học chưa thể tìm ra lời giải đáp thích đáng? Dù câu trả lời là gì đi nữa thì trong thực tế, không ít những câu chuyện, những con số đã được ghi chép lại về sự xui xẻo của thứ 6 ngày 13, khiến cho người ta không khỏi lo ngại.

Câu chuyện bắt đầu từ đâu?

Dossey, tác giả cuốn Holiday Folklore, Phobias and Fun, cho biết nỗi sợ bắt nguồn từ thời cổ đại, khi số 13 và thứ Sáu - hai điều mang lại vận đen kết hợp với nhau thì tạo nên một ngày vô cùng bất hạnh. Trước thế kỷ 21, mặc dù số thứ tự 13 được xem như là xui xẻo và ngày thứ Sáu được xem là ngày đen đủi, đã không có mối liên kết nào giữa chúng. Những tài liệu đầu tiên đề cập đến "Thứ Sáu, ngày 13" được nghe chung chung xuất hiện vào đầu những năm 1900.

Theo quan niệm của người phương Tây thì thứ 6 là ngày xấu nhất trong tuần và ngày 13 là ngày xấu nhất trong tháng, vì vậy nên khi hai điều đó kết hợp với nhau, thứ 6 ngày 13 đã tạo nên một nỗi sợ hãi lớn. Người ta thậm chí còn đặt hẳn cho hội chứng sợ thứ 6 ngày 13 một cái tên, đó là "paraskevidekatriaphobia", trong đó "paraskevi" là thứ 6, "dekatria" là số 13 và "phobia" là nỗi sợ hãi (theo tiếng Hy Lạp).

giai ma nguon goc noi so hai ve con so 13

Về lĩnh vực không gian, phi thuyền Apollo 13 được phóng lúc 13 giờ 13 phút ngày 13-4. một vụ nổ đã xảy ra lúc 19 giờ 13 phút. Phi thuyền không thể hòan thành nhiệm vụ đáp xuống mặt trăng. Trong hội họa, bức tranh “bữa tiệc ly” của Leonado Da Vinci có tổng cộng 13 người. Nếu tính cả Judas và Matthias thì có tất cả 13 tông đồ. Sau bữa tiệc ly, chúa Jesus hy sinh vào thứ Sáu ngày 13. Đó là lý do ngày này đuợc xem là không may mắn.

Một giả thiết khác cho rằng, nguồn gốc thực sự của ngày này bắt đầu từ thứ Sáu ngày 13-10-1307. Vua Philip đệ tứ của Pháp ban hành sắc lệnh độc ác là bắt và tra tấn các hiệp sĩ dòng Đền về tội dị giáo và chống lại đất nước. Dòng Đền (khỏang 1120-1312) là dòng tu hiệp sĩ thứ 2, sau dòng thánh John, được thành lập trong các cuộc thập tự chinh. Khi ấy, nhà vua cần tiền để tiến hành chiến tranh chống lại nước Anh. Ông đi theo các hiệp sĩ dòng Đền vào thứ Sáu ngày 13. Làm như thế, ông sẽ có cớ tịch thu tài sản của dòng Đền và tránh được món nợ kếch xù. Từ đó đến nay, thứ Sáu ngày 13 nổi tiếng là “ngày đê tiện”. Người ta tránh tổ chức các dịp đặc biệt vào ngày không may mắn này.

Nỗi sợ hãi của con số 13

Con số 13 có tội tình gì mà người ta gọi nó là "một tá quỷ sứ"? Đôi khi nỗi sợ hãi đối với nó được người ta liên hệ với sự tích Tiệc Ly trong sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài chết. Đã có 13 môn đồ ngồi với chúa hôm đó, trong số này có Judas. Trong Phúc Âm kể rằng, chúa Jesus hướng về phía môn đồ nói: "Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ". Và chính chương 13 của Phúc Âm John kể về sự phản bội của Judas. Trong chương 13 cuốn sách cuối cùng của Tân Ước - Khải Huyền đã mô tả con số đáng sợ của con thú 666.

Ngay từ thời xa xưa, loài người bắt đầu tin rằng, tập trung quanh bàn 13 vị khách là một điềm xấu. Dị đoan này đặc biệt phổ biến trong giai đoạn xảy ra vụ dịch hạch khủng khiếp trong thế kỷ XVII. Chính thời điểm đó, người ta không hề hoài nghi việc người tập hợp quanh bàn "một tá quỷ sứ" đang tạo ra nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, bởi vì thể nào cũng có một trong những khách sẽ bị chết bất đắc kỳ tử.

Thật ra mà nói, ở giai đoạn đó, trong nguy cơ của đại dịch chết người, dù ta có tập hợp bao nhiêu khách quanh bàn thì tất cả đều mạo hiểm như nhau và xác suất phải rời sang thế giới bên kia đối với mọi người đều lớn như nhau. Thế nhưng, nỗi sợ hãi dị đoan đối với con số 13 cứ càng ngày càng được củng cố và phát triển đến đỉnh điểm vào giữa thế kỷ XIX.

Mọi người đã sợ hãi và tin vào sự xui xẻo của con số 13 tới mức nghĩ ra cái nghề làm vị khách thứ 14. Tại Pháp, người đóng vai vị khách thứ 14 được mời tới khi không may gia chủ chỉ có 13 khách tới dự tiệc. Và cho đến nay trong khách sạn Statler ở Chicago vẫn có lệ: nếu tình cờ quanh bàn chỉ có 13 vị khách thì những người phục vụ ở đây sẽ đặt thêm một cái ghế thứ 14 và xếp vào đó một hình nộm trong y phục thực khách rất đàng hoàng cho "đẹp cỗ". Hình nộm này cũng được phục vụ ăn uống chu đáo như những vị khách khác và được gọi đùa bằng cái tên ngài Louis XIV.

Nhân đây có lẽ không thể nào không đề cập tới cái gọi là hiện tượng "thứ sáu ngày 13". Để đánh dấu nỗi sợ hãi về hiện tượng này, các bác sĩ tâm thần cũng phát minh ra một thuật ngữ đặc biệt - paraskavidekatriafobiya (sợ thứ sáu ngày 13). Góp phần vào sự ra đời của thói mê tín dị đoan này có bàn tay của các thành viên tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền (Templar) ở thế kỷ XIV. Lý do là, ngày 13/10/1307, vua Philipp IV ra sắc lệnh buộc tội và bắt giữ kể cả đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của tổ chức này.

Các thành viên Hiệp sĩ dòng Đền bị buộc tội dị giáo và báng bổ, nhiều người trong số họ phải chịu tra tấn và tử hình. Vị huynh trưởng vĩ đại cuối cùng của tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền là Jacques de Molay đã lên tiếng nguyền rủa cái ngày định mệnh đó (13/10/1307). Kể từ thời điểm ấy, những người theo tư tưởng Templar luôn làm lễ kỷ niệm thứ sáu ngày 13/10 như một ngày không may mắn và bi thảm. Cũng từ đây, các ngày thứ sáu 13 thuộc bất cứ tháng nào cũng bị coi là xui xẻo.

Con số tuyệt đẹp

Nỗi sợ hãi con số 13 thực chất chỉ là mê tín dị đoan. Theo cách nhìn của giáo hội thì nó xuất phát chính từ những nỗi sợ hãi và định kiến sai lầm. Và thực tế chứng minh có nhiều người nghĩ rằng số 13 mang những điều tốt lành. Người Ai Cập cổ xưa tin rằng, trên nấc cuối cùng của bậc thang 13 nấc dẫn tới cõi vĩnh hằng, tâm hồn con người sẽ tìm thấy sự sống bất tử. Những người Hy Lạp cổ - dù chỉ một số ít – nghĩ rằng 12 công việc gian khổ của Herakles được tiếp nối bằng công việc thứ 13 may mắn: tiêu diệt con sư tử Kithareon cho nhà vua Thespius, nhờ đó mà ông nhận được phần thưởng là được ngủ với 50 con gái của nhà vua trong 50 đêm liên tiếp. Những người tin rằng số 13 mang lại điềm lành cũng có một điểm chung với những người tin rằng nó mang lại điều bất hạnh: đằng sau niềm tin của họ thiếu vắng hoàn toàn sự hiện diện của lý trí.

Để tránh bị phụ thuộc vào nỗi sợ hãi con số 13 và vượt lên trên những định kiến cổ hủ, 13 người Mỹ trong thế kỷ XIX đã thành lập câu lạc bộ "13" ở thành phố New York. Mục đích của việc này là chế nhạo thói mê tín dị đoan và kiêng kị phi lý đối với con số không may này. Lễ khai trương hoành tráng của câu lạc bộ thực hiện vào thứ sáu ngày 13 trong căn phòng số 13 và tiền phí hội viên suốt đời có giá 13 USD. Ngoài ra, tại cuộc họp của câu lạc bộ, người ta thường cố tình đập vỡ gương và rắc muối. Người ta kể rằng, ý tưởng này khiến vị Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt thích thú đến mức chính ông cũng gia nhập câu lạc bộ "13". Hiện nay, các cuộc họp kiểu như thế đã trở nên phổ biến trên thế giới và nhiều chi nhánh câu lạc bộ "13" được phát triển cả ở các thành phố khác. Thành viên câu lạc bộ khẳng định: Không có gì khủng khiếp xảy ra với họ cả và con số 13 là con số đẹp nhất trên thế giới.

Đã có hẳn một thuật ngữ là triskaidekaphobia để chỉ nỗi sợ hãi đối với con số 13. Rất nhiều người mang nỗi sợ này trong lòng. Người La Mã xưa sợ số 13, người Vikings cũng vậy. Ngày nay, một số người không bao giờ ngồi vào bàn ăn có 13 người ăn, họ phải đặt thêm một con gấu bông vào bàn để giả vờ làm người thứ 14. Một số người khác không bao giờ mua nhà số 13, không đi tàu, máy bay khởi hành ngày 13, nhất là khi ngày đó rơi đúng vào ngày thứ 6 trong tuần; thậm chí không ngủ ở tầng 13 của khách sạn.

Trang Nhi

Theo tbck.vn