Vừa qua, Tòa soạn báo nhận được một số phản ánh của khách hàng về sản phẩm bếp từ của Công ty cổ phần Faster Việt Nam ghi nhãn xuất xứ, linh kiện nhập khẩu châu Âu, Made in Germany nhưng thực tế lại sử dụng một số linh kiện từ Trung Quốc ?

Theo nội dung phản ánh, phóng viên đã tìm hiểu trên web của nhà sản xuất Faster, tại đây rất nhiều những thông tin, hình ảnh giới thiệu về sản phẩm bếp từ với dòng chữ: Schott Ceran Eco Friendly, bên cạnh là hình quốc kỳ Đức và dòng chữ Made in Germany.

Cụ thể hơn, trong mục bếp từ nhập khẩu Đức là những lời quảng cáo hoa mỹ nhưng lại rất mập mờ: “Bếp từ nhập khẩu Đức là một trong những dòng bếp cao cấp, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Xuất xứ CHLB Đức, kiểu dáng sang trọng, ứng dụng nhiều tính năng thông minh…” Sản phẩm thiết bị nhà bếp cao cấp Faster được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến. Sự kết hợp hoàn hảo giữa chất lượng sản phẩm Châu Âu, kiểu dáng tinh tế, sang trọng phong cách Italia, Tây Ban Nha cùng giá thành hợp lý và chế độ hậu mãi hấp dẫn… Tất cả đã đưa hình ảnh và thương hiệu FASTER đến gần hơn với công chúng, đồng thời  giải phóng đôi tay cho phụ nữ Việt…

Được quảng cáo là bếp điện từ nhập khẩu tại tây Ban Nha nhưng mặt kính lại có từ Được quảng cáo là bếp điện từ nhập khẩu tại tây Ban Nha nhưng mặt kính lại có từ "Đức"

Đọc những dòng quảng cáo này, không ít người tiêu dùng tin rằng, những loại bếp từ mà Faster đang bán là hàng nhập khẩu từ Đức “xịn” và giá bán của chúng cũng không hề rẻ, khoảng trên dưới 20 triệu đồng/chiếc.

Mặt kính Schott Ceran thương hiệu của Đức nhưng lại nhập khẩu từ Trung Quốc Mặt kính Schott Ceran thương hiệu của Đức nhưng lại nhập khẩu từ Trung Quốc

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV một số loại bếp từ mà Faster phân phối tại thị trường Hà Nội thì sự thật không như quảng cáo. Cụ thể, sản phẩm bếp từ FS-741G có ghi nhập khẩu từ Đức, mặt kính Schott Ceran (Made in Germany) mài vát 4 cạnh 10mm, nhưng phần bụng bếp điện lại sử dụng linh kiện nhiệt điện EIKA (Made in Spain).

Điều lạ là với việc lắp ráp như vậy, nhưng Faster vẫn quảng cáo là 100% linh kiện đồng bộ EGO, hay như Bếp từ FS-2SIR cũng ghi Mặt kính Schott Ceran - Made in Germany nhưng lại là hàng nhập khẩu Tây Ban Nha? Bếp từ đôi “cao cấp nhập khẩu Ý” FS -740IR ghi rõ là Made in Italy nhưng cũng ghi mặt kính Eurokera - Made in France...?

Bếp từ lắp giáp tại Việt Nam nhưng lại gắn nhán mác xuất xứ tại Germany Bếp từ lắp giáp tại Việt Nam nhưng lại gắn nhán mác xuất xứ tại Germany

Trong vai khách hàng muốn mua sản phẩm, tiếp xúc với nhân viên tư vấn của Faster tại một trong những showroom lớn của hãng có địa chỉ 90 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân - Hà Nội, thì lại càng bị bất ngờ hơn, bởi chẳng có Made in Germany, Spain hay “linh kiện đồng bộ” gì ở đây cả. Nhân viên Faster cho biết các sản phẩm bếp từ được sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam và thừa nhận là chỉ có phần bụng (phần linh kiện điện tử) là được nhập từ các nước châu Âu (Đức, Ý, Tây Ban Nha) còn phần mặt kính nhập từ đơn vị thứ 3 tại Trung Quốc...?

Showroom của Cty Faster tại 90 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân - Hà Nội Showroom của Cty Faster tại 90 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân - Hà Nội

Để làm rõ hơn về sản phẩm bếp từ của Cty Faster đang cung cấp, phóng viên đã liên hệ làm việc với Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đại diện đơn vị này cho biết, theo các quy định hiện hành, sản phẩm hoàn thiện công đoạn cuối cùng tại đâu thì ghi xuất xứ ở đó. Ví dụ, sản phẩm lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam thì dù linh kiện nhập khẩu từ bất kỳ đâu cũng vẫn phải ghi là Made in Vietnam. Đối chiếu với các sản phẩm của Faster, việc ghi xuất xứ là các nước Châu Âu  như Đức, Ý, Tây Ban Nha là có sự mập mờ thiếu minh bạch.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết thêm, hiện nay có tình trạng một số nhà sản xuất kinh doanh thiếu minh bạch, mập mờ gian lận, có thủ đoạn dùng nhiều bộ hồ sơ nhập khẩu chính hãng để đối phó với việc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Còn trong thực tế sản xuất, họ lại sử dụng linh kiện từ các nguồn giá rẻ, kém chất lượng để cho ra sản phẩm rồi tung ra thị trường.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự công bằng, minh bạch trong môi trường kinh doanh, đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của nhà sản xuất Faster có đúng như quảng cáo hay không, đồng thời thông tin rộng rãi để người tiêu dùng được biết.

Nguồn: https://congluan.vn/map-mo-thuong-hieu-bep-tu-faster-made-in-germany-post65112.html

Theo Báo Công Luận Online