Thế nào được coi là thuốc giả, thuốc kém chất lượng?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ lừa đảo, gồm các trường hợp sau: hoàn toàn không có dược chất được ghi trên nhãn thuốc;

Có dược chất nhưng hàm lượng ít hơn, thậm chí rất ít so với hàm lượng được ghi trên nhãn; có dược chất nhưng dược chất hoàn toàn khác so với dược chất ghi trên nhãn, thậm chí có thuốc giả trong đó dược chất là độc chất gây chết người;

Có dược chất ghi đúng trên nhãn, có bao bì, quy cách đóng gói, tên thuốc giống như thuốc của chính hãng được quyền sở hữu công nghiệp nhưng do một hãng làm giả sản xuất.

Theo định nghĩa của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA): Thuốc giả bao gồm bất kỳ dược phẩm nhái hoặc kém chất lượng nào không đáp ứng được tiêu chuẩn của FDA nhưng cố tình che giấu sự thật. Thuốc giả có thể có một hoặc nhiều hay tất cả các yếu tố sau:

- Quá mạnh hoặc quá yếu.

- Thiếu các thành phần chính.

- Được sản xuất từ các thành phần nguy hiểm.

- Nhiễm chất lạ, thậm chí có chất độc.

- Được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh hoặc không vô trùng.

- Được tạo ra theo các tiêu chuẩn không an toàn.

- Được dán nhãn, cất giữ hay bảo quản không đúng cách.

- Quá hạn sử dụng (hết hạn).

Cũng theo FDA, thuốc giả chiếm khoảng 10% thị trường tân dược thế giới. Tại các nước nghèo nhất có đến 25% thuốc được tiêu thụ là thuốc giả.

Còn theo WHO, lợi nhuận thu được từ buôn bán thuốc giả đạt gần 35 tỷ USD/năm.

Tại Việt Nam, trong năm 2009, các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đã phát hiện 33 mẫu thuốc giả (chiếm 0,12% các mẫu được kiểm nghiệm), 3,33% số mẫu trong số 31.542 mẫu kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ảnh minh họa.

Tác hại của thuốc giả

Theo PGS, TS, DS. Nguyễn Hữu Đức - Giảng viên chính Bộ môn Dược, ĐH Y Dược TP.HCM, thuốc giả gây tác hại ở 2 phương diện:

Thuốc giả gây thiệt hại rất trầm trọng đến uy tín của các hãng dược phẩm nổi tiếng làm ăn chân chính. Thuốc của các hãng này đạt chất lượng, sử dụng hiệu quả và an toàn.

Nhưng khi thuốc bị làm giả người dùng thuốc không phân biệt được đâu là thật hay giả do thuốc giả dùng tên thuốc, nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì được làm giả giống y như thuốc thật. Họ cứ tưởng thuốc thật do hãng dược làm ăn sơ suất dẫn đến giảm hoặc mất chất lượng. Thế là họ mất sự tin tưởng vào hãng dược phẩm mà trước đây họ tin cậy và yêu mến.

Thuốc giả gây tác hại cho chính người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong.

Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.

Các loại thuốc thường hay bị làm giả

Nếu có điều kiện thuận lợi, bất cứ thuốc nào cũng bị kẻ gian làm giả miễn sao đưa đến lợi nhuận.

Chúng có thể làm giả từ những thuốc không nổi tiếng, tính từng viên thuốc thì không lời nhiều, nhưng dễ giả mạo và được sử dụng với số lượng lớn do tính chất xã hội của bệnh (ví dụ như thuốc trị sốt rét, trong một cuộc điều tra năm 2001, Việt Nam và một số nước khác ở vùng Đông Nam Á phát hiện có đến 38% thuốc trị sốt rét lưu hành trong khu vực này là thuốc giả không chứa dược chất trị bệnh) đến những dược phẩm nổi tiếng được tiêu thụ nhiều.

Gần đây, thuốc bị làm giả nhiều là thuốc điều trị rối loạn cương (dạng uống), được gọi chung là thuốc ức chế PDE-5. Người ta ước tính trên thế giới có khoảng 150 triệu đàn ông bị rối loạn cương. R

ối loạn cương không còn là vấn đề thầm kín ở nhiều nước mà đã được xem là một loại bệnh cần được chữa trị đàng hoàng. Chính sản lượng thuốc được tiêu thụ ngày càng nhiều đã kích thích kẻ gian làm thuốc giả nhái y như thuốc chính hiệu. Ngoài ra các thuốc kháng sinh cũng rất hay bị làm giả.

PGS, TS, DS. Nguyễn Hữu Đức cũng đưa ra khuyến cáo: Để đảm bảo sức khoẻ và phòng tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra, người tiêu dùng không nên tự ý mua thuốc trôi nổi về sử dụng.

“Khi có nhu cầu dùng thuốc, tốt nhất là nên đến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn của thuốc, kiểm tra tem nhãn... trước khi dùng” - DS Đức nhấn mạnh./.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online