Tại Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 - "Môi trường đô thị", các thông tin và đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí được xây dựng dựa trên số liệu quan trắc từ các chương trình quan trắc môi trường do Tổng cục Môi trường, các đơn vị trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và các địa phương thực hiện. 

Mặc dù số liệu trạm quan trắc tự động liên tục có thể đánh giá chính xác, toàn diện và đầy đủ nhất về chất lượng không khí. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trạm quan trắc tự động, liên tục tại Việt Nam còn rất hạn chế.

Theo đánh giá, hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm giữa các đô thị rất khác biệt, phụ thuộc vào quy mô đô thị, mật độ dân số, đặc biệt là mật độ giao thông và tốc độ xây dựng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đối với các khu vực khác nhau trong một đô thị như các tuyến đường giao thông, khu công trường xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp trong đô thị, khu vực dọc các sông, kênh rạch nội thành, khu vực công viên, hồ nước chất lượng không khí phân hóa khá rõ rệt.

Tại các đô thị nhỏ, các đô thị ở khu vực miền núi, môi trường không khí còn khá trong lành.

Báo cáo cho hay, trong các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam thì vấn đề ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất.

Theo đó, tỉ lệ số mẫu quan trắc TSP vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) của các chương trình quan trắc quốc gia luôn lớn hơn 80% số mẫu quan trắc trong năm.

Các chất khí ô nhiễm SO 2, CO về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn của QCVN, riêng khí O3, NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm trong một số năm gần đây.

Ô nhiễm bụi được phản ánh thông qua bụi lơ lửng bao gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2,5).

Có những ngày chỉ số không khí đo tại khu vực nội thành ở mức

Có những ngày chỉ số không khí đo tại khu vực nội thành ở mức "báo động đỏ" lên tới trên 150.

Số liệu quan trắc giai đoạn từ 2012 đến 2016 cho thấy mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao,
chưa có dấu hiệu giảm trong 5 năm gần đây.

Đặc biệt là đối với bụi TSP, nồng độ đã vượt ngưỡng cho phép QCVN 05: 2013 từ 2 đến 3 lần và thường tập trung cao ở các trục đường giao thông của các đô thị lớn. Ở các khu vực chịu ảnh hưởng của hoạt động sản xuất nồng độ bụi thường xuyên duy trì ở mức cao.

Trong đó, mức độ ô nhiễm biểu hiện rõ nhất ở các đô thị loại đặc biệt, tiếp đến là các đô thị loại I. Nhóm đô thị loại II và III có mức độ ô nhiễm thấp hơn.

Một trong những nguyên nhân khiến cho không khí ô nhiễm chính là hoạt động của các phương tiện giao thông. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều này, và tại báo cáo vừa qua, Bộ Tài nguyên & môi trường cũng đã chỉ ra rằng trên các tuyến đường giao thông nội đô, số lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm chính là nguyên nhân làm cho nồng độ các chất ô nhiễm không khí tăng cao.

Tại các đô thị vừa và nhỏ, ô nhiễm bụi TSP gần các tuyến đường giao thông thấp hơn các đô thị lớn, tuy nhiên mức độ vượt quá giới hạn của QCVN cũng từ 1 đến 2 lần.

Bên cạnh đó thì hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghiệp, công trường xây dựng (xây dựng khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông, sửa chữa hệ thống thoát nước,…) cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức độ ô nhiễm bụi rất cao.

Bởi việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường không nghiêm và hoạt động giám sát thực hiện chưa được quan tâm đúng mức đã khiến cho tình trạng môi trường trở nên xấu đi.

Nhìn chung, ô nhiễm bụi đang ở mức khá cao, tuy nhiên mức độ ô nhiễm thay đổi rất lớn giữa các giờ trong ngày và giữa các tháng trong năm.

Ô nhiễm bụi (đặc biệt là bụi mịn) thường tập trung vào các tháng mùa đông, ít mưa (tháng 11 - 3) đối với miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ.

Đối với khu vực Nam Trung Bộ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt ổn định, ít biến động
quanh năm nên sự khác biệt về nồng độ bụi PM đo giữa các tháng không rõ rệt.

Theo công bố của Trung tâm nghiên cứu môi trường của trường Đại học Yale và Columbia (Mỹ) tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có môi trường không khí bị ô nhiễm nặng.

Vậy để thấy, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và nền kinh tế nói chung đang đi kèm với những sự suy giảm về chất lượng không khí, chất lượng cuộc sống cơ bản của người dân. Tình trạng ô nhiễm không còn là vấn đề riêng của một cá nhân hay của một tổ chức mà là của cả quốc gia và của toàn cầu.

 

Theo Châu Anh/Reatimes