Theo UBND TP Hà Nội, hiện tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn đạt khoảng 5,9 triệu phương tiện, trong đó có khoảng 5 triệu xe máy và khoảng trên 500 nghìn xe ôtô. Hiện, tổng công suất các bãi đỗ xe công cộng mới đáp ứng được khoảng 65 – 66% nhu cầu đỗ xe của thành phố, nhu cầu còn lại phân bổ vào đất xây mới của đơn vị ở và các công trình xây dựng công cộng, dịch vụ, hỗ hợp, nhà cao tầng...

Tận dụng khoảng trống không gian ngầm thích hợp để làm bãi đỗ xe là một biện pháp tích cực cho bài toán giao thông hiện nay.

Tận dụng khoảng trống không gian ngầm thích hợp để làm bãi đỗ xe là một biện pháp tích cực cho bài toán giao thông hiện nay.

Từ các yêu cầu thực tế như tốc độ gia tăng phương tiện giao thông nhanh; cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố còn hạn chế, mạng lưới giao thông tĩnh ở khu vực nội đô phân bố không đồng đều, quy mô diện tích nhỏ dẫn đến thiếu chỗ đỗ xe nghiêm trọng… việc lựa chọn các địa điểm thích hợp để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm là hướng đi phù hợp theo kinh nghiệm của nhiều đô thị phát triển trên thế giới và là giải pháp cần thiết, từng bước góp phần xóa tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe, dành không gian mặt đất cho các nhu cầu công cộng của người dân.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận của Hà Nội gồm quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tỷ lệ 1/2000.

Đây là 4 quận nội thành tập trung mật độ dân cư cao và lưu lượng giao thông rất lớn, với tổng diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3,861ha, tổng diện tích đất dành cho các bãi đỗ xe chiếm khoảng 15,6%.

Như vậy, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh tại 4 quận này chỉ đạt khoảng 0,4% (trong khi yêu cầu phải đạt từ 2 – 3%). Hà Nội đã thống nhất quy mô 3 dự án bãi xe ngầm tại công viên Nhân Chính, nhà thi đấu Quần Ngựa và công viên Thống Nhất.

Theo các chuyên gia, việc lập quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận của Hà Nội là vấn đề cấp bách, phải sớm có quy hoạch làm cơ sở để quản lý, thu hút các nhà đầu tư và triển khai các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, nhằm mục tiêu chính là phát triển và đáp ứng được nhu cầu giao thông tĩnh, trên cơ sở không cứng nhắc, tạo được sự đồng thuận.

Trong đó, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dịch vụ tư vấn đảm bảo chất lượng của đồ án quy hoạch được lập ra và theo đúng tiến độ yêu cầu.

TP Hà Nội cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin được áp dụng cơ chế đặc thù, chỉ định nhà thầu tư vấn lập quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm của 4 quận nội đô và đề xuất lựa chọn đơn vị tư vấn là Cty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd thuộc Tập đoàn Nikken Sekkei (Nhật Bản).

Cty này đã từng thực hiện rất nhiều dự án lớn, thiết kế, quy hoạch các khu phố ngầm, bãi đỗ xe ngầm tại: Motomachi, Tokyo, Yokohama, Shizuoka, Kanagawa (Nhật Bản); Incheon (Hàn Quốc)…; tham gia lập quy hoạch, thiết kế chi tiết các KĐT, KCN tại hơn 30 tỉnh, thành tại Việt Nam; có hiểu biết và cơ sở dữ liệu rất lớn về các đô thị Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, việc chỉ định nhà thầu tư vấn có năng lực là cần thiết nhưng cũng có thể xem xét thành lập một liên danh nhà thầu, trong đó có cả nhà thầu Việt Nam, vì họ sẽ hiểu rõ được lịch sử, địa lý, văn hóa của Hà Nội, qua đó đưa ra nhiều giải pháp kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, di sản kiến trúc trong khu vực nội đô; kết nối các trung tâm thương mại, văn hóa của TP, đồng thời đảm bảo sự hài hòa, đồng bộ với nhiều quy hoạch...

Theo Linh Đan/Báo Xây Dựng