Theo khảo sát của PV, không khí Trung thu năm nay tại Hà Nội có vẻ bình lặng, trầm lắng hơn so với năm ngoái nhưng không phải vì thế mà thị trường bánh Trung thu kém sôi động, mặt khác vẫn hoạt động sôi nổi song có nhiều diễn biến trái chiều.

Người tiêu dùng lựa chọn bánh Trung Thu truyền thống hoặc bánh handmade thay vì các thương hiệu lớn

Người dân xếp hàng dài để mua bánh tại cửa hàng của cơ sở bánh Trung Thu truyền thống Bảo Phương (số 201A - 201B, Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Qua tìm hiểu, giá bánh Trung thu năm nay không có nhiều biến động, duy trì ở mức bình ổn. Loại bánh Trung thu mà người dân lựa chọn nhiều nhất vẫn là bánh nướng và bánh dẻo với giá bình dân khoảng 100.000 – 220.000 đồng/hộp.

Dòng sản phẩm bình dân có mức giá dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/chiếc, sản phẩm cao cấp hơn thường được dùng để chọn làm quà có giá dao động từ 120.000 đồng đến 350.000 đồng/chiếc. 

Ưu tiên của người dân là bánh giá rẻ, mới sản xuất nhưng cần phải được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại cơ sở sản xuất bánh Trung Thu truyền thống Bảo Phương, những ngày cận trung thu, ở đây lúc nào cũng rất nhộn nhịp, tấp nập người qua lại, xếp hàng dài thậm chí tới cả tiếng mới có thể có mua được bánh khiến cho con phố nhỏ Thụy Khuê thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn cục bộ dù năm nay đã mở thêm một địa điểm ngay gần cửa hàng chính để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, dường như thế vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Bà Thu (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đã nhiều năm liền, tôi luôn sử dụng bánh Trung thu truyền thống bởi bánh hợp khẩu vị, có nhiều loại nhân với nhiều mức giá để lựa chọn, ít tiền thì mua bánh rẻ, nhiều tiền thì mua bánh đắt tiền. Hơn nữa bánh ở đây có thương hiệu lâu đời rồi yên tâm hơn.”

“Trước đây, mình hay mua bánh của các thương hiệu như Kinh Đô hay Thu Hương nhưng năm nay thấy khá lo lắng trước tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm nên quyết định chuyển sang lựa chọn dùng bánh Trung Thu truyền thống”, chị Hoàng Thị Thanh Lương chia sẻ.

Thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, theo đó, những điểm bán bánh Trung Thu truyền thống và bánh handmade nhờ thế mà trở nên đông khách hơn bao giờ hết.

Những loại bánh Trung thu handmade năm nay được thay đổi về mẫu mã, hình thức một cách khéo léo để kích thích người tiêu dùng.

Chị Trần Ngọc Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, cả nhà mình hay sử dụng bánh handmade của người quen làm nên cũng cảm thấy an tâm hơn về chất lượng bánh, thích ăn nhân gì thì đặt loại đó. Không những thế, bánh còn có nhiều mẫu mã nên cứ tùy thích lựa chọn”

“Năm nay nhà mình làm không xuể, phải nhờ hết người thân trong gia đình giúp đỡ, người trộn bột, người gói bánh, người đóng hộp…, vậy mà vẫn không còn thời gian để nghỉ ngơi. Mình lại cập nhật thêm nhiều mẫu bánh mới, không chỉ đa dạng về nhân mà còn phong phú về chủng loại, ngoài bánh nướng bánh dẻo như thường lệ còn có thêm bánh được làm từ nhân thạch, đẹp mắt mà lạ miệng nên được khách hàng ưu ái lắm. Chưa tổng kết nhưng lượng bánh năm nay bán ra nhiều hơn so với những năm trước rất nhiều", chị Hoa (người làm bánh trung thu handmade trên phố Ngọc Hà) vui vẻ chia sẻ.

Quầy bánh của các thương hiệu nổi tiếng trong nước ế ẩm

Vài ngày cận Tết Trung Thu đến hôm nay (Rằm tháng 8 Âm lịch), các quầy bánh thuộc sở hữu của những thương hiệu bánh nổi tiếng trong nước xuất hiện hình ảnh ảm đạm vô cùng.

Các quầy bánh thường xuyên rơi vào tình trạng ảm đạm, vắng khách.

Có thể thấy, đây là hình ảnh không còn quá lạ và gây nhiều thắc mắc đối với người dân. Khi mà các thương hiệu bánh nổi tiếng, đã từng được ưa chuộng trên thị trường năm nay lại rơi vào tình cảnh thê thảm như thế này. Bởi chính thị hiếu và tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi.

Tuy nhiên, để lựa chọn mua bánh Trung Thu làm quà biếu, quà tặng thì các thương hiệu này vẫn là lựa chọn ưu tiên hơn so với những chiếc bánh Trung Thu handmade giản đơn.

Chị Đỗ Phương Nga (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Thực ra trước kia mình rất hay sử dụng bánh nướng của Kinh Đô, vì vị vừa vặn, ngon và giá thành cũng không quá đắt. Thế nhưng năm nay cũng muốn đổi khẩu vị sang bánh Trung Thu truyền thống nên mình chỉ mua bánh Kinh Đô để làm quà biếu.”

Một nhân viên bán hàng bánh Thu Hương trên phố Chùa Bộc, Hà Nội cho biết: “Sức mua năm nay ít hơn so với những năm trước nhưng những hộp bánh thuộc dòng cao cấp lại được lựa chọn nhiều hơn”.

Tình trạng này diễn ra ở hầu khắp các quầy bánh trên địa bàn Hà Nội.

Khách qua lại lác đác, thưa thớt.

Thậm chí có nhiều quầy không có một bóng khách trong nhiều giờ liên tiếp.

Bánh Trung Thu truyền thống được nhiều người đánh giá là đảm bảo chất lượng song những chiếc bánh này lại chỉ có thể để được vài ngày nên cần được tiêu thụ ngay, tránh trường hợp lưu trữ, hết hạn sử dụng.

Theo Hằng Trần/Reatimes