Ý tưởng bật đèn xe vào ban ngày bắt nguồn từ các quốc gia Scandinavi, nơi trời tối cả ngày vào mùa đông và lần đầu tiên được thực hiện bắt buộc ở Thụy Điển vào năm 1977. Các quốc gia Scandinavi khác cũng nhanh chóng làm theo. Hiện tại chúng được sử dụng ở 14 quốc gia EU.

Tại châu Âu, Anh là quốc gia đầu tiên áp dụng quy định các phương tiện khi tham gia giao thông phải bật đèn cả ngày để đảm bảo an toàn.

Tiếp theo, các nước châu Âu với hệ thống đường cao tốc mà các phương tiện được chạy với tốc độ rất cao thấy rằng các xe phát hiện ra nhau từ rất xa nếu bật đèn ban ngày.

Nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc xe cơ giới đường bộ (mô tô, xe máy) phải có đèn chiếu sáng ban ngày khi tham gia giao thông.

Mặc dù là đất nước nhiều nắng nhưng Thái Lan đã sớm nhận thấy lợi ích của việc bật đèn ban ngày, đặc biệt với môtô, xe máy. Người lái xe ôtô có thể phát hiện các xe máy đi cùng chiều ở phía sau thông qua gương chiếu hậu từ rất xa, giảm thiểu được tai nạn khi cho xe rẽ phải, rẽ trái, nhất là khi đi trên quốc lộ.

Người ta còn phát hiện ra rằng khi đi đường đồi núi, quanh co, đường khuất tầm nhìn có gắn gương cầu lồi, các xe ngược chiều vào cua phát hiện được các xe ngược chiều từ xa. Từ đó Thái Lan ra quy định về việc bật đèn xe ban ngày.

Theo Ủy ban châu Âu, bật đèn xe vào ban ngày có thể làm giảm tử vong từ 3 đến 5%, tương đương với 1.200 đến 2.000 trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn EU.

Theo báo cáo của giao thông Quốc Lộ Hoa Kỳ, Na Uy, Đan Mạch và Canada đều cho biết, thông qua một loạt các nghiên cứu, đèn chạy ban ngày đã giảm đáng kể một số loại va chạm, tai nạn ban ngày giảm 6-11%; trong khi tai nạn với người đi bộ giảm 28%.

Tuy nhiên các nhà phê bình cho biết việc bật đèn xe có những hạn chế nghiêm trọng. Sử dụng đèn pha ban ngày làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu, tạo thêm chi phí cho người lái xe và tác động tiêu cực đến môi trường.

Nghiên cứu từ Viện nghiên cứu đường cao tốc liên bang Đức cho thấy đèn pha nhúng làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải lên 3%.

Theo Gia đình Việt Nam