Chia sẻ bên lề hội nghị khoa học về dược lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai mở rộng lần thứ 2, tổ chức ngày 26/6, TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hầu hết các bệnh viện hạng 1, tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, đã có phần mềm về sử dụng thuốc, quản lý thuốc như phần mềm kê đơn điện tử, phần mềm quản lý thuốc nhập – xuất, phần mềm quản lý thuốc thanh toán BHYT...

Tuy nhiên, bệnh viện tuyến huyện, hạng 2, 3, có những nơi đã áp dụng một số phần mềm nhưng chưa phải toàn bộ. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, sắp tới phải triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý sử dụng thuốc nói chung, trong đó đó có phần mềm kê đơn điện tử.

TS Cao Hưng Thái

Hiện Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt, giao cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp các đơn vị liên quan và các bệnh viện tổ chức thí điểm phần mềm kê đơn điện tử.

Theo đó, Cục đã triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử quốc gia tại bệnh viện ở tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên.

Toàn bộ đơn thuốc đã kê của bệnh viện đều được tích hợp với đơn thuốc điện tử quốc gia. Hệ thống đơn thuốc quốc gia có sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan quản lý. Qua đó, kê đơn thuốc lưu trên phần mềm (kê đơn điện tử) sẽ kiểm soát được việc kê đơn thuốc, đặc biệt là kháng sinh.

Ngoài ra, phần mềm kê đơn điện tử có hệ thống cảnh báo về tương tác có hại của thuốc hoặc các sai sót trong kê đơn (kê trùng lắp, kê đơn không đúng phác đồ điều trị).

Sau thí điểm tại hai bệnh viện trên, Cục sẽ lựa chọn các bệnh viện đại diện cho tuyến Trung ương - tỉnh - huyện để chạy thử phần mềm, áp dụng, tổ chức đánh giá. Phấn đấu, từ 1/1/2021 sẽ mở rộng đến các bệnh viện khác trên cả nước về kê đơn điện tử.

Theo TS Thái, với những đơn thuốc điện tử do bác sĩ kê, người bệnh có thể tra cứu sử dụng trên mạng, chỉ cần nhớ mã đơn cá nhân, có thể đến bất kỳ nhà thuốc nào để mua.

Đơn thuốc điện tử cũng giúp người bệnh có thể truy xuất được đơn bác sĩ đã kê, từ đó có thể kiến nghị phản hồi (trong trường hợp đơn thuốc có sai sót). Người bệnh cũng có được tiếp nhận các cảnh báo về các đơn thuốc quá hạn, cần phải tái khám...

Đồng thời, giúp người bệnh trong sử dụng thuốc an toàn hiệu quả, đồng thời quản lý được thuốc từ bệnh viện tới các nhà thuốc.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, hiện nay, mục tiêu hàng đầu của các cơ sở khám, chữa bệnh là nâng cao hiệu quả điều trị và an toàn người bệnh. Nhiều bệnh viện đã và đang thực hiện mô hình làm việc nhóm giữa bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng… và lấy tiêu chí người bệnh làm trung tâm, cá thể hoá điều trị từng người bệnh.

Điều này đã khẳng định vai trò của dược sĩ lâm sàng trong công tác phối hợp điều trị như cung cấp thông tin thuốc, hỗ trợ bác sĩ kê đơn, lựa chọn thuốc tối ưu, theo dõi, phát hiện, xử trí các biến cố do thuốc xảy ra trên người bệnh để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả và an toàn.

Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hoạt động Dược lâm sàng hiệu quả, đặc biệt là đối với những ca bệnh khó, bệnh cảnh phức tạp.

TS. Cẩn Tuyết Nga - Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại đây, dược sĩ lâm sàng đã tham gia trực tiếp vào công tác điều trị, đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý cho người bệnh được thể hiện qua số lần tham gia hội chẩn theo yêu cầu của khoa lâm sàng và tham gia hội chẩn toàn viện từ dưới 100 ca vào năm 2015 tăng lên trên 700 ca năm 2019.

Theo Võ Thu/Gia đình & Xã hội