Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 11 cơn bão và ATNĐ trên biển Đông.
Đặc biệt, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử kéo dài, xong từ giữa tháng 10/2016 đến nay, những khu vực bị hạn hán trên đã xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoạn, bất thường và kéo dài.
Được biết, mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 316.719 nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại,... (đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt), tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng.
Con số này đã nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên Huế: 03 người chết, Bình Định: 06 người chết, 05 người mất tích, Khánh Hòa: 01 người chết); 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 111.851 nhà bị ngập nước; 10.059 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi (hiện các địa phương tiếp tục thống kế thiệt hại).
Những khó khăn, tồn tại
Mặc dù các cấp chính quyền, người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả với mưa lũ nên đã hạn chế thấp nhất về thiệt hại, song vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và thách thức.
Có thể kể đến là mưa lũ lớn liên tiếp xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên không thể tránh khỏi thiệt hại và để lại những hậu quả nặng nề.
Các hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện đã tích đầy nước sau các đợt mưa lũ trước đây, nên vào đợt mưa lũ này, nhiều hồ phải xả tràn và vận hành đảm bảo an toàn công trình (xả lưu lượng về bằng lưu lượng đến hồ).
Thiệt hại về người vẫn còn lớn, nguyên nhân chính vẫn do một số bộ phận người dân còn thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh.
Bên cạnh đó, công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, radar, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và sớm hơn.
Nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, xây dựng và cập nhật bản độ ngập lụt, phương án đảm bảo an toàn hạ du, việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn hạn chế.
Sự phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với hệ thống đường giao thông, cầu, cống trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt Bắc Nam, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị,.. làm co hẹp lòng dẫn thoát lũ là một trong những nguyên nhân dẫn đến mực nước lên nhanh, tăng thời gian và chiều sâu ngập lũ làm gia tăng thiệt hại và chậm quá trình khắc phục hậu quả.
Biến đổi khí hậu làm cho tình hình thiên tai ngày càng cực đoạn, bất thường.
Ngoài ra, do đặc điểm khu vực miền Trung và Tây Nguyên có địa hình chia cắt mạnh, sông ngắn, dốc, những năm gần đây chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm dẫn đến phương án phòng chống mưa lũ tại các địa phương và người dân gặp nhiều khó khăn và đặt ra những thách thức mới, khó lường.