Theo công văn từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, từ ngày 30/7, sẽ áp dụng lộ trình hạn chế lưu hành một số chất bảo quản sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm. 5 loại dẫn chất của paraben gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam trước ngày 30/7 tới. Riêng chất bảo quản rất phổ biến ở mỹ phẩm là MCT+ MIT ở tỷ lệ 3/1 chỉ được sử dụng trong sản phẩm tẩy rửa với nồng độ 0,0015% và không được dùng trong mỹ phẩm.

Bộ Y tế khuyến cáo, các nhà sản xuất cần có kế hoạch chủ động loại trừ các paraben ra khỏi sản phẩm của mình, sử dụng các chất bảo quản an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều chất bảo quản khác có thể thay thế hoàn toàn các paraben và MCT+MIT.

Nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm lưu hành trên thị trường thì sẽ bị phạt tiền, rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm.

Paraben là chất bảo quản được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm, bao gồm mỹ phẩm trang điểm, kem dưỡng và các sản phẩm chăm sóc tóc. (Ảnh minh họa).

Paraben là chất bảo quản được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm, bao gồm mỹ phẩm trang điểm, kem dưỡng và các sản phẩm chăm sóc tóc. (Ảnh minh họa).

Những nguy hại đã rõ, “lệnh cấm” được ban hành, nhưng người tiêu dùng vẫn không hay biết. Hầu khắp các siêu thị, cửa hàng các loại kem dưỡng da, dầu gội, nước rửa tay, sữa rửa mặt, sữa tắm, khăn ướt, kem tẩy trắng... có sử dụng paraben vẫn bán tràn lan.             

Các dẫn chất của paraben không phải là “vô can” trong sức khỏe người sử dụng. Từ năm 1998, việc nghi ngờ paraben gây ung thư đã xuất hiện tại Pháp và nhiều quốc gia. Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu lúc đó đã nghiên cứu và chỉ ra rằng có những yếu tố liên quan giữa paraben và ung thư ở phụ nữ dùng nhiều sản phẩm ngăn tiết mồ hôi, thậm chí có thể gây ung thư vú. Giới khoa học cảnh báo, dùng sản phẩm chứa một số dẫn chất paraben với nồng độ nhất định trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Cộng đồng châu Âu và Hội đồng mỹ phẩm ASEAN khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này, đồng thời thay thế bằng các chất bảo quản khác an toàn hơn.

PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học cho rằng, paraben có tính chất kháng khuẩn và kháng nấm,  rất tốt khi được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn do nấm, vi khuẩn trong nhiều loại dược và mỹ phẩm gây ra. Paraben có thể được phát hiện trong nước tiểu của những người sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm có paraben. Thậm chí, paraben trong các loại kem bôi xoa lên lưng của những thanh niên khỏe mạnh, cũng có thể được tìm thấy dấu vết trong máu, chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng.

Theo PGS-TS-BS Lê Ngọc Diệp, Bộ môn Da liễu Trường ĐH Y Dược TP HCM, paraben là tên gọi chung của nhóm chất bảo quản hóa học được sử dụng rộng rãi trong các mỹ phẩm, dược phẩm. Đối với các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện vệ sinh kém, nguyên vật liệu đầu vào không bảo đảm nên cơ sở sản xuất thường lạm dụng paraben vượt giới hạn cho phép gấp nhiều lần để chống nấm mốc, vi khuẩn.

Paraben có hoạt tính giống như nội tiết tố estrogen của phụ nữ, có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố, đồng thời có thể gây dị ứng da. Đáng lo ngại là ngoài khả năng gây ra ung thư vú, các triệu chứng của sự mãn kinh, loãng xương ở phụ nữ, một số loại trong nhóm paraben (như propyparaben) còn làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới, thúc đẩy quá trình lão hóa dưới ánh nắng mặt trời (như methylparaben)...

Tuy nhiên, với hàng chục ngàn sản phẩm có chứa chất bảo quản paraben và MCT+MIT, nhiều ý kiến lo ngại việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này ra khỏi thị trường khi thời hạn không còn dài là rất khó.

“Nếu không ráo riết hậu kiểm, rất có thể người dân sẽ không có thông tin. Thậm chí, không loại trừ các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh qua mặt người tiêu dùng để hợp thức hóa việc hiện diện trên thị trường sau thời hạn cấm lưu hành” - một chuyên gia lo ngại.

Trao đổi trên Tiền Phong, ông Nguyễn Tất Đạt - Cục phó Cục Quản lý dược cho biết: Cục vừa áp dụng việc công bố lưu hành sản phẩm qua mạng internet, giúp kiểm soát thành phần sản phẩm hiệu quả hơn.

“Sau khi sản phẩm lưu hành, nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm thì ngoài phạt tiền còn có hình phạt bổ sung là rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm”, ông Đạt cho hay.

Các chuyên gia cũng cho rằng cấm thì cấm nhưng liệu có quản được không khi mà hiện có hơn 22.000 loại mỹ phẩm trên thị trường đang chứa các chất paraben?

Nhật Linh (Tổng hợp)/ Theo Ngày nay Online