1. Chùa Hương

chua-huong-7

Chùa Hương là một trong những ngôi chùa rất nổi tiếng của Việt Nam nằm tại Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Thực tế chùa Hương là một cụm quần thể gồm rất nhiều chùa, đền, đình, miếu nằm rải rác từ chân lên tận tới đỉnh núi Hương Tích.

Quanh năm các ngôi chùa, đền thờ ở đây đều nghi ngút nhang đèn và tấp nập du khách đến vãn cảnh và cúng bái. Nhưng thời điểm đông nhất vẫn là vào tháng 1 đến tháng 3 âm lịch – thời điểm diễn ra lễ hội Chùa Hương.

Chùa Hương nổi tiếng không chỉ bởi nét tín ngưỡng tâm linh nó mang lại mà còn thu hút mọi người bởi vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và kì bí. Để đến được với ngôi chùa linh thiêng này du khách phải đi đò khoảng chừng 1 tiếng.

Ngồi trên những chiếc thuyền gỗ giản dị, lắng nghe tiếng mái chèo khua nước đều đặn và tiếng cười nói của du khách, ngắm những thảm lúa xanh rì và những ngọn núi nhấp nhô những hình dáng kì lạ bạn sẽ có cảm giác như mình đang lạc vào miền đất cửa Phật huyền ảo.

2. Yên Tử - vùng đất phù vân, tâm linh huyền bí

Yên Tử là địa danh nổi tiếng tại Việt Nam qua câu ca dao quen thuộc: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”. Xuân đến, lòng người lại phơi phới cùng nhau đi trẩy hội, một lòng hành hương về Yên Tử - vùng đất phù vân, tâm linh huyền bí. Khách du xuân sẽ có dịp chiêm ngưỡng thiên nhiên đất trời giao hòa, tận hưởng bầu không khí trong lành, quên hết những âu lo phiền muộn của cuộc sống đời thường, thả lòng mình phiêu diêu bồng bềnh nơi cửa Phật.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các Tăng, Ni, Phật tử và triều đình các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Khi đứng nơi chùa Đồng trên đỉnh cao Yên Tử, bạn sẽ cảm nhận như được tan vào mây khói bồng bềnh, hư ảo cùng núi non đất trời, vạn vật cỏ cây.

3. Chùa Thiên Mụ

Cố đô Huế có rất nhiều thắng cảnh đẹp để bạn ghé thăm. Vào dịp đầu xuân thì chùa Thiên Mụ là địa điểm hút khách nhất. Chùa nằm trên ngọn đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương.

Trải qua một khoảng sự thăng trầm của lịch sử, nhiều công trình của chùa Thiên Mụ đã bị hư hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên, sau những cuộc trùng tu, ngày nay chúng ta vẫn được chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa này như: Tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm,…

Chùa còn lưu giữ một số cổ vật quý giá có giá trị cao về mặt lịch sử và nghệ thuật: tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, các bức hành phi, câu đối.

Tháp Phước Duyên được coi là linh hồn của chùa Thiên Mụ, cao 21m, 7 tầng, mỗi tầng đều đặt tượng phật, ở giữa có cầu thang xoắn dẫn lên trên. Đứng trên tháp du khách có thể nhìn xuống dòng sông Hương êm đềm và thơ mộng

Bước vào khuôn viên chùa, đặt chân lên những viên gạch nhuốm màu thời gian, bạn sẽ cảm nhận được không gian khoáng đãng, thanh tịnh của chốn cửa Phật.

Màu xanh của những khoảng cỏ xanh rì, những hàng cây bao bọc lấy các mái chùa, tất cả như hòa quyện trong cái vẻ cổ kính của những công trình kiến trúc cổ xưa. Tìm về chốn linh thiêng, thắp một nén nhang cầu an cho ngày đầu năm, cuộc sống tất bật bên ngoài như lùi về một không gian rất xa khác.

4. Chùa Linh Ứng

Chùa Linh Ứng tại Bãi Bụt - Đà Nẵng với bức tượng Phật Quan Âm cao nhất Việt Nam.

Chùa Linh Ứng tại Bãi Bụt - Đà Nẵng với bức tượng Phật Quan Âm cao nhất Việt Nam.

Ở Đà Nẵng có 3 ngôi chùa mang tên Linh Ứng, nhưng xét về quy mô và cảnh quan thì chùa Linh Ứng Bãi Bụt được xem là đẹp nhất. Nếu như chùa Thiên Mụ mang những nét cổ kính trong từng nét kiến trúc thì chùa Linh Ứng lại mang đến cho bạn cảm giác của sự kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và truyền thống.

Giữa tiếng rì rầm kể chuyện ngày đêm của sóng biển, ngôi chùa với những mái đình cong vút được chạm trổ hình rồng tinh xảo nằm trên ngọn đồi hình con rùa, lưng dựa vào sườn của núi Sơn Trà, ngày ngày hướng mặt ra biển, ngắm nhìn cảnh biển yên bình.

Đứng trong lòng bức tượng, ngắm nhìn sân chùa với những bức tượng các vị La Hán được chạm khắc tinh xảo, xa xa là khung cảnh biển rộng lớn mênh mông bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc sự kết hợp giữa thiên nhiên và tín ngưỡng tâm linh của vùng đất này.

5. Chùa Vĩnh Nghiêm

Một trong những ngôi chùa thu hút nhiều tăng ni, phật tử cũng như du khách thập phương nhất trong những ngày Tết của đất Sài Thành đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của đình chùa miền Bắc nhưng dựa trên kĩ thuật và vật liệu hiện đại.

Viếng chùa, du khách sẽ thấy cổng Tam Quan với những mái ngỏi đỏ uốn cong vô cùng đẹp mắt. Tiếp đó bạn sẽ được tham quan khu trung tâm với sân thượng, phật điện và tháp Quán Thế Âm. Ở sân thượng, bạn có thể chiêm ngưỡng chiếc đại hồng chung do các tăng ni phật tử Nhật Bản tặng.

Phật điện có những bàn thờ được bố trí vô cùng công phu với những bức tượng thờ Thích Ca Tam Tôn, Phật Thích Ca, Bồ Tát Quan Âm, Hộ Pháp. Không khí trang nghiêm, thành kính theo bạn trong suốt những bước chân đi khắp điện thờ.

Chùa Vĩnh nghiêm cũng rất nổi tiếng với Tháp Quán Thế Âm cao 40m, 7 tầng , có hình vuông. Đây được coi là một trong những tháp đồ sộ nhất Việt Nam. Du khách đến với chùa vào mỗi dịp đầu năm đều thành kính dâng hương cho chư Phật, cầu mong may mắn, bình an cho cả năm.

Tăng ni phật tử khi đến với chùa còn có dịp thả cá, chim phóng sinh đầu năm như một lời cầu mong an lành cho tất cả chúng sinh. Nếu bạn muốn tận hưởng không gian thanh tịnh có thể đến khuôn viên sau chùa với hồ sen và hàng cây xanh để tìm lại phút tĩnh lặng trong tâm hồn.

Đầu năm, đi chùa cầu mong sức khỏe, phát tài và may mắn là một phong tục tốt đẹp có từ ngàn xưa của người Việt Nam. Đến với không gian yên bình nơi cửa Phật bạn có thể buông bỏ những tất bật của cuộc sống thường ngày, tìm một chỗ dựa tinh thần cho mình.

6. Thăm làng hoa - ghé chợ nổi - lễ chùa phương Nam

Chợ nổi - nét đẹp rất riêng của miền sông nước.

Chợ nổi - nét đẹp rất riêng của miền sông nước.

Sắc trời xuân ấm áp cùng hoa mai khoe sắc rực rỡ báo hiệu năm mới an lành đang đến. Xuôi về phương Nam, hành trình du xuân sẽ không thể thiếu làng hoa, chợ nổi và các ngôi chùa. Lênh đênh chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), đến làng hoa Tân Quy Đông (Đồng Tháp) hay về miệt thứ An Giang đều mang lại cho du khách những kỷ niệm đáng nhớ.

Trải dài khắp đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ngôi chùa độc đáo, mang đậm kiến trúc văn hoá, tâm linh của người Việt và Khmer. Đầu năm là thời điểm thú vị để bạn cùng người thân, gia đình hành hương thắp nhang lễ Phật. Về miền đất phương Nam, du khách không thể bỏ qua chùa Vĩnh Tràng, Linh Thứu cổ tự (Tiền Giang), chùa Dơi, chùa Đất Sét (Sóc Trăng), chùa Ông (Trà Vinh), Miếu bà Chúa Xứ (An Giang), Thiền viện Trúc lâm hộ quốc (Phú Quốc)...

Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng trong nước, bạn cũng có thể lựa chọn hành hương theo chương trình tour nước ngoài nếu muốn đi du lịch xa hơn. Tập trung nhiều nhất tín đồ đức Phật hành hương đầu năm là Myanmar, Nepal - Ấn Độ, Thái Lan, Bhutan… Dù là nơi đâu, chuyến đi cũng chung một mục đích khơi vận may cho năm mới, cầu tài lộc bình an cho gia đình.

Theo Thúy Hà / Reatimes