Vụ Đông Xuân 2019-2020 ở ĐBSCL dù diễn ra trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mức độ gay gắt hơn và duy trì trong thời gian dài, vượt mức lịch sử năm 2015-2016... Song với việc dự báo sớm, Bộ NN&PTNT đã phối hợp các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô.


Ảnh minh họa.

Đồng thời, ngay từ tháng 9/2019, ngành đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm từ 10 - 30 ngày. Chính vì vậy, Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Tây Nam bộ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, giảm 68.500 ha so với vụ trước nhưng năng suất đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn.

Tính chung cả nước, 6 tháng đầu năm, ước đạt 20,2 triệu tấn lúa, đạt 98,5% so với cùng kỳ, qua đó vừa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần cho xuất khẩu, với giá xuất khẩu tăng gần 13%, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 27,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 487 USD/tấn.

Cùng với đó, đến nay, vụ Hè Thu đã thu hoạch được 1,3 triệu tấn lúa. Ngô đạt 1,85 triệu tấn, bằng 96,4%; rau các loại đạt 9,69 triệu tấn, tăng 2,4%. Ngoài ra, một số loại cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, tiêu, điều, chè đều có sản lượng tăng từ 2,5 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cây ăn quả chính như: xoài, chuỗi, thanh long, cam, bưởi, vải… cũng có sản lượng tăng từ 4 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất thủy sản đang phục hồi, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng ước đạt gần 3,83 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,7%; nuôi trồng đạt 1,94 triệu tấn, tăng 1,2%. Do tác động của dịch COVID-19 nên xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; trong đó xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với mức 39%. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT đã tổ chức sự kiện kết nối "Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra" mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020. Tại đây nhiều doanh nghiệp phân phối và sản xuất đã ký kết kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ước đến hết 6/2020, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 7,53 triệu m3, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.

Tuy nhiên, trước tác động của dịch COVID-19, đã khiến các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm mạnh; có tới 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng; chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường. Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã kịp thời tổ chức Hội nghị "Bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau bệnh dịch Covid-19" với mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019.

Theo Báo Dân Sinh