Để tiết kiệm điện năng khi bật điều hòa, bạn nên lưu ý làm theo những hướng dẫn của các chuyên gia về điện lạnh dưới đây:
1. Lắp đặt máy lạnh hợp lý
Tùy vào kiến trúc nội thất trong phòng mà bạn bố trí dàn lạnh phù hợp. Dàn lạnh phải treo đủ cao (trên 2.5m) để gió lạnh có thể lan tỏa đều trong phòng. Tránh hướng gió thổi trực tiếp vào vị trí ngồi ở phòng khách hoặc giường ngủ vì rất dễ gây khó chịu và cảm lạnh. Quạt thông gió gắn ở tường đối diện để tạo lưu động gió và tránh thất thoát nhiếu hơi lạnh ra ngoài.
Dàn nóng treo ở nơi thông thoáng không trực diện với hướng chiếu mặt trời, vị trí phải dễ ra vào thao tác sửa chữa vệ sinh máy, ống gaz máy ĐHKK nối từ dàn lạnh ra dàn nóng phải được bọc cách nhiệt tốt chôn âm vào tường và được lắp sẵn trước khi tô, sơn tường hoàn thiện. Khoảng cách giữa dàn nóng và dàn lạnh càng gần càng tốt và chênh lệch độ cao không quá 5m để tránh giảm công suất lạnh của máy.
Ống nước xã từ dàn lạnh nên dùng bằng ống nhựa cứng chôn âm vào tường và phải có độ dốc thấp hơn dàn lạnh để thoát nước nhanh và tránh động sương trên ống làm ố tường. Dây điện nguồn đi âm nối từ công tắc bảo vệ đến chờ sẵn tại vị trí lắp đặt dàn lạnh để tiện việc cấp nguồn cho máy.
2. Nhiệt độ tối ưu khi sử dụng
Máy lạnh chỉ làm việc hiệu quả khi nhiệt độ quanh giàn nóng thấp hơn 48°C và nhiệt độ trong phòng lớn hơn 19°C, việc vi phạm các giới hạn này sẽ làm cho máy hoạt động không hiệu quả do khả năng thoát nhiệt rất thấp.
Khi khởi động máy, ta chỉ nên chọn mức nhiệt độ cần làm lạnh mong muốn, sau đó chọn bổ sung chức năng làm lạnh nhanh thể hiện trên thiết bị điều khiển từ xa mà thực chất là tăng tốc độ quạt đối lưu ở giàn lạnh.
Nên tránh đặt nhiệt độ ở mức thấp nhất của máy vì việc này không giúp đạt được nhiệt độ mong muốn nhanh hơn, mà chỉ làm tiêu tốn điện năng hơn do máy phải hoạt động đến khi đạt đến nhiệt độ thấp nhất mới có thể dừng lại.
Để sử dụng máy lạnh có hiệu quả về điện, ta nên chọn nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ môi trường mà cơ thể con người thích nghi trong khoảng 25 – 27°C. Do đó, chọn nhiệt độ 26°C là đảm bảo sự thoái mái trong sinh hoạt mà lại tiết kiệm điện. Máy đạt nhiệt độ như remote được hay không là do cảm biến nhiệt độ gắn ở giàn lạnh trong phòng, mà thiết bị này thường không ảnh hưởng theo thời gian.
Nên trong trường hợp máy cũ, vẫn chọn 24°C thì phòng vẫn đạt được nhiệt độ đó, nhưng sẽ tiêu tốn điện nhiều hơn.
Theo Bijli Bachao, trang web của Ấn Độ, chuyên về hướng dẫn tiết kiệm điện cho gia đình và công sở, nhiệt độ của điều hòa càng ít chênh lệch với nhiệt độ tự nhiên thì điện năng tiêu thụ càng ít. Để làm mát phòng, bạn không nên để nhiệt độ dưới 25 độ C.
3. Chọn màu sơn trong phòng
Màu tối hấp thụ nhiệt nhiều hơn màu sáng, đặc biệt là những căn phòng nhỏ và kín. Do đó, lời khuyên dành cho các bạn là tường phòng nên sơn hoặc quét vôi màu trắng. Bên cạnh đó, cửa sổ phòng nên treo màu sáng như màu trắng, hay xanh nõn chuối.
4. Dùng quạt kèm điều hòa
Quạt có thể tạo ra gió giúp người trong phòng cảm thấy mát và dễ chịu hơn. Khi dùng quạt, bạn có thể tăng nhiệt độ của điều hòa lên 2-4 độ mà vẫn thấy thoải mái. Dù tốn điện cho quạt nhưng lượng điện bạn tiết kiệm được khi tăng nhiệt độ điều hòa vẫn nhiều hơn và như thế bạn có thể tiết kiệm được tiền điện mỗi tháng.
Tuy nhiên, Bijli Bachao cũng lưu ý, nếu mái nhà của bạn trực tiếp hứng ánh nắng mặt trời thì không nên sử dụng quạt trần cùng với điều hòa, tương tự nếu đó là bức tường hứng nắng thì cũng không nên bật quạt treo tường đồng thời với điều hòa.
5. Bố trí phòng khép kín và có lớp cách nhiệt
Dùng các lớp cách nhiệt (ví dụ tấm xốp) cho mái, dán giấy cách nhiệt cho tường, phía ngoài ngôi nhà nên sơn màu trắng hoặc sáng để giảm thu hút nhiệt, có thể trồng thêm cây ở bên ngoài... Khi bật điều hòa phải đóng kín các cửa, các lỗ thông hơi, có thể che thêm rèm.
Nhiều người thường hay suy nghĩ rằng lắp đặt cửa kính giúp hạn chế việc thoát hơi từ điều hòa ra môi trường bên ngoài giúp bạn tiết kiệm điện hơn. Tuy nhiên, đó là một cách suy nghĩ sai lầm.
Ánh nắng mặt trời rọi vào cửa kính hấp thụ nhiệt năng nhưng không chịu nhả ra sẽ khiến căn phòng của bạn lúc nào cũng như một chiếc lò sưởi. Do đó, lớp cửa kính càng dày thì nhiệt thu được từ ngoài vào phòng sẽ nhiều hơn, vì vậy điều hòa hoạt động liên tục và nhiều hơn sẽ gây tiêu hao điện năng nhiều hơn.
Vì vậy, cần hạn chế dùng cửa kính ở phòng, nhất là mặt tiếp xúc với ánh nắng.
6. Bảo dưỡng điều hòa thường xuyên
Bảo quản máy chưa đủ, để điều hòa hoạt động tốt và mang lại hiệu quả cao nhất, bạn cần phải bão dưỡng và lau chùi bộ lọc gió định kì theo tuần hoặc theo tháng để bụi bặm bám trên màng lọc luôn sạch sẽ. Việc lau chùi có thể giảm đến 15% công suất hoạt động của máy, giúp tiết kiệm một lượng điện rất lớn.
Luôn luôn kiểm tra ống dẫn ga vì bụi bặm bám bẩn sẽ làm tắc hoặc ống dẫn bị rò rỉ cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống làm mát của máy, làm tốn rất nhiều điện năng.
7. Dùng chế độ phù hợp
Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời không quá nắng nóng (khoảng dưới 36 độ C) và độ ẩm cao, việc sử dụng chế độ Dry sẽ rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác dễ chịu trong phòng và tiết kiệm điện.
Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định phương pháp sử dụng chế độ Dry ở điều hòa thực sự tiết kiệm điện hơn dùng chế độ Cool, còn khả năng làm mát thì không mấy tác dụng, đặc biệt nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao như mấy ngày qua tại Hà Nội và các tỉnh Bắc - Trung bộ.
"Ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát nhưng nó chỉ hiệu quả với nơi có khí hậu ôn hòa, không nóng quá 36 độ C và có độ ẩm cao cao tới 80-90%", ông Thịnh giải thích.
Theo ông, những ngày nắng nóng mà độ ẩm thấp thì việc sử dụng chế độ Dry không giúp làm giảm nhiệt độ, khiến không khí trong phòng vẫn nóng, đồng thời gây khô da do độ ẩm vốn thấp lại bị giảm thêm.
8. Lựa chọn máy lạnh phù hợp với phòng
Nhiều người cho rằng mua điều hòa lớn sẽ làm không khí trong phòng mát hơn. Tuy nhiên theo Energy Star (một chương trình của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ - EPA, giúp doanh nghiệp và cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm), mua một máy điều hòa quá khổ là không hiệu quả, đồng thời còn lãng phí năng lượng. Máy điều hòa có tác dụng loại bỏ hơi nóng và độ ẩm trong phòng, máy điều hòa to có tác dụng làm mát nhanh nhưng nó chỉ loại bỏ được rất ít hơi ẩm. Công thức để chọn được máy điều hòa phù hợp với diện tích của phòng:
Phòng 9-14m2: chọn máy công suất 5.000 BTU/h
Phòng 15-23m2: 6.000 BTU/h
Phòng 24-28m2: 7.000 BTU/h
Phòng 29-32m2: 8.000 BTU/h
Phòng 33-37m2: 9.000 BTU/h
Phòng 38-41m2: 10.000 BTU/h
Phòng 42-51m2: 12.000 BTU/h
Phòng 51-65m2: 14.000 BTU/h
Phòng 66-92m2: 18.000BTU/h
Energy Star cũng khuyến cáo, nếu phòng ở chỗ râm mát, bạn có thể giảm công suất máy 10%, nếu phòng đặt ở nơi rất nắng, tăng công suất máy lên 10%, nếu trong phòng thường xuyên có nhiều hơn 2 người, cộng thêm vào công suất của máy là 600 BTU cho mỗi người./.