Theo đó, hơn 1.200 gốc chanh leo (chanh dây) đang bước vào giai đoạn thu hoạch của Công ty Cổ phần Chanh leo Nafoods (thuộc Nafoods Group Nghệ An) bị chặt phá.

Gần 2,5 ha chanh leo bị chặt sát gốc

Gần 2,5 ha chanh leo bị chặt sát gốc

Ông Lữ Văn Tòng, nhân viên bảo vệ Công ty CP Chanh leo Nafoods kể lại: “Đêm mồng 9/8/2017, một số đối tượng ném đá vào nhà bảo vệ. Đến đêm 10/8 thì chúng bắt đầu chặt vườn chanh leo. Lúc 2 giờ sáng ngày 11/8, tôi dậy đi kiểm tra một vòng thì phát hiện mất cái bạt đậy phân bón. Từ đó đến sáng tôi kiểm tra liên tục và vào lô số 3 thì thấy mất cả ống dẫn nước, đồng thời phát hiện ra một số gốc chanh bị chặt. Tôi liền gọi điện cho anh em công ty đến kiểm tra. Qua kiểm đếm thì có trên 1.200 gốc chanh leo bị chặt phá. Đây chủ yếu là số chanh leo đang trong thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch rộ”.

Theo ông Tòng, sự việc chỉ xảy ra trong vài giờ đồng hồ nhưng toàn bộ 3 lô chanh leo hơn 5 tháng tuổi đang thời kỳ thu hoạch đã bị chặt phá nghiêm trọng. Trong đó, lô số 3 bị chặt ngang gốc, lô số 1 bị phá một nửa, riêng lô thí nghiệm chỉ còn sót lại 3 gốc. Ngoài ra, các đối tượng còn lấy trộm toàn bộ hệ thống đường ống tưới nước.

Theo đơn trình báo của Công ty CP Chanh leo Nafoods, từ đầu năm 2017 đến nay, tại công ty đã xảy ra 9 vụ mất trộm và chặt phá với tổng số thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Riêng sự việc xảy ra rạng sáng 11/8/2017 gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Trước thực trạng này, Công ty CP Chanh leo Nafoods đã 2 lần gửi đơn trình báo vào ngày 9/3/2017 và ngày 9/5/2017. Thế nhưng, đến nay các cấp chính quyền vẫn chưa có giải pháp triệt để dẫn đến tình trạng phá hoại tài sản của công ty tiếp tục kéo dài.

Thân cây chanh đã héo

Thân cây chanh đã héo

Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Đây là một vụ phá hoại tài sản nghiêm trọng, chúng tôi quyết tâm làm rõ. Ngày 14/8, UBND huyện Quế Phong đã có công văn giao cho Trưởng Công an huyện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Ở vùng miền núi, việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, nếu không làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật thì doanh nghiệp nào còn dám vào đầu tư trên địa bàn huyện nữa? Công an huyện Quế Phong đang vào cuộc điều tra, khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo sau”.

Được biết, với mục đích biến Quế Phong thành thủ phủ cây chanh leo ở xứ Nghệ, góp phần giúp đồng bào các dân tộc Quế Phong xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, ngày 13/5/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1768/QĐ-UBND nhằm từng bước mở rộng diện tích cây chanh leo nguyên liệu phù hợp với năng lực thu mua và chế biến của Công ty CP Chanh leo Nafoods.

Dự án sẽ góp phần tạo việc làm cho 2.700 lao động, năng suất bình quân 4-5 tấn/ha/năm, tổng sản lượng chanh leo 45.000 tấn/năm, giá trị sản xuất 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, cải thiện đời sống người lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vùng. Quy mô vùng nguyên liệu khoảng 900 ha.

Để thực hiện dự án, cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phát triển bền vững đã được đầu tư. Công ty CP Chanh leo Nafoods cũng đã đầu tư cơ sở chế biến và điểm thu mua sản phẩm chanh leo. Đến thời điểm này, Công ty CP Chanh leo Nafoods đã được giao 28 ha để trồng chanh leo trong tổng số 600 ha diện tích đất dự án của doanh nghiệp. Trong số 28 ha đó, công ty dành 5ha làm vườn ươm giống chanh leo công nghệ cao tại bản D1, Minh Châu, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Nhờ hiệu quả bước đầu, đến nay, cây chanh leo còn được bổ sung quy hoạch thêm 300 ha tại một số xã của huyện Tương Dương.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Nafoods Group cho biết: “Đây là một vụ phá hoại tài sản nghiêm trọng, kéo dài và ít nhiều có liên quan đến vấn đề đất đai, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, gây thiệt hại về kinh tế của công ty. Sau khi gửi báo cáo bằng đường công văn nhưng chưa có hồi âm, chúng tôi đã trực tiếp gửi công văn tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp”.

Theo nongnghiep.vn