Với mục tiêu phát triển Tam Đảo I thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn khách du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; vừa qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Du lịch Tam Đảo I - thị trấn Tam Đảo - huyện Tam Đảo làm cơ sở thu hút đầu tư và quản lý xây dựng.

Tuy nhiên, sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã tạo cơ hội cho hàng loạt công trình, homestay mọc tràn lan khiến Tam Đảo không còn giữ được vẻ nguyên sơ cổ kính, thay vào đó là những khối bê tông hóa, công trường với tiếng máy khoan đục, nhiều công trình xẻ núi, san đồi…

Điểm mặt các dự án “khủng”

Theo UBND huyện Tam Đảo, đến thời điểm hiện tại đã xác định được 15 công trình xây dựng vi phạm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo. Điển hình là khách sạn Camellia nằm ngay sát công viên trung tâm là một trong những khách sạn lớn nhất Tam Đảo hiện nay (do công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc là chủ đầu tư) đã được cấp phép xây dựng từ năm 2018.

Đến thời điểm hiện tại, công nhân vẫn làm việc, vật liệu xây dựng tập kết xung quanh khách sạn Camellia (Ảnh: Phạm Lượng)

Thế nhưng, được biết, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai giấy phép xây dựng, xây vượt 1 tầng và 1 tum so với giấy phép xây dựng lên đến hàng nghìn mét vuông. PV đã có mặt, ghi nhận đến thời điểm hiện tại công nhân vẫn đang làm việc, vật liệu xây dựng tập kết xung quanh khách sạn. Đồng thời, còn có thông báo tuyển dụng nhân sự vào làm việc và chưa có bất cứ dấu hiệu nào của việc tháo dỡ phần vi phạm.

Trước đó, vào ngày 12/07/2013, ông Phùng Quang Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thời điểm đó đã ký Quyết định 1799 điều chỉnh quy hoạch phê duyệt năm 2006 theo hướng tăng mạnh diện tích xây dựng khu vực trung tâm, cắt giảm diện tích công viên, cây xanh, mặt nước. Đáng chú ý, quyết định này đã “nhồi nhét” thêm 6.876m2 đất khách sạn và 2.320m2 đất biệt thự và cắt giảm đất cây xanh, mặt nước từ 12.251mxuống chỉ còn 8.829m2. Các diện tích công cộng khác cũng bị cắt giảm bởi quyết định điều chỉnh này.

Dự án tổ hợp khách sạn Grand Hotel Victory tại thị trấn Tam Đảo do công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tam Đảo (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư VIC - VIC group) làm CĐT. Dự án đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng trên diện tích khu đất là 6.876 m2, trong đó diện tích đất xây dựng là 3.215 m2. Với thiết kế 13 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn 32.909 m2, khách sạn Grand Hotel Victory được đánh giá là có quy mô siêu khủng so với quỹ đất ít ỏi và cơ sở hạ tầng còn hạn chế ở thị trấn Tam Đảo.

Phối cảnh dự án Grand Hotel Victory nằm ngay sát công viên trung tâm nhìn từ trên cao (Ảnh Zing)

Theo số liệu, diện tích đất khu trung tâm thị trấn Tam Đảo chỉ vỏn vẹn 21.530 m2 đã bao gồm cả đất giao thông, hạ tầng. Như vậy, tổ hợp khách sạn này chiếm đến gần 33 % diện tích khu trung tâm thị trấn.

Trong khi hạ tầng còn chưa được hoàn thiện hết, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Vĩnh Phúc lại cho phép xây dựng tại Tam Đảo một tổ hợp công trình cao đến 13 tầng.

Dự án tổ hợp khách sạn Grand Hotel Victory đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng (Ảnh: Phạm Lượng)

Thực tế, theo nhiều chuyên gia quy hoạch, chiều cao tối đa chỉ nên 9 tầng, việc thay đổi xây dựng và cảnh quan khu trung tâm thị trấn gần như bất khả thi vì công trình xây dựng, nhà cao tầng đã lấp đầy, quỹ đất gần như không còn nên cần xem lại tính khả thi của đề án quy hoạch này.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm từng cho biết: “Trong đề xuất quy hoạch Tam Đảo cho phép xây dựng cao ốc lên đến 15 tầng là quá cao. Theo ông không nên vượt quá 9 tầng để giảm thiểu tác động đến cảnh quan thiên nhiên, không lấn át cảnh quan và điều quan trọng nữa là mới có thể phù hợp với điều kiện hạ tầng tại đây về xử lý chất thải, giao thông...Du khách đến với Tam Đảo là vì khí hậu đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên vì vậy phải đặc biệt bảo vệ các yếu tố này”.

“Với những khu vực cảnh quan thiên nhiên, di sản thiên nhiên như Tam Đảo, việc cấp phép xây dựng không được vượt quá 9 tầng nổi. Công trình từ 9 tầng trở lên là công trình cao tầng sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên nơi đây” - ông nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia quy hoạch, chiều cao tối đa chỉ nên 9 tầng

Đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc - đơn vị tư vấn lập Quy hoạch chung, khu vực trung tâm thị trấn có mật độ xây dựng tương đối cao (40 - 50%), khu vực tổ dân phố số 2 có mật độ thấp hơn (15 - 20%). Các công trình cao tầng chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thị trấn với tầng cao từ 1 - 7 tầng. Tuy nhiên cả khách sạn Camellia và dự án Grand Hotel Victory đều đang xây dựng vượt mức quy hoạch.

Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu công viên trung tâm là “trái tim” của du lịch Tam Đảo với định hướng là khu thấp tầng, mật độ xây dựng thấp.

Theo UBND huyện Tam Đảo, còn một số khách sạn cũng có dấu hiệu sai phạm như: Khách sạn Century được cấp giấy phép xây dựng năm 2020 nhưng thi công sai giấy phép, xây dựng vượt 1 tầng so với giấy phép; khách sạn Thiên Phúc xây dựng không phép; khách sạn Thanh Hải cải tạo sửa chữa công trình nhưng không có giấy phép xây dựng, cơi nới thêm phần diện tích đất phía sau cao 7 tầng; khách sạn Thắng Lợi cải tạo sửa chữa công trình không có giấy phép điều chỉnh và đã tự xây dựng thêm 200 m2; khách sạn Hương Sơn xây dựng thêm đơn nguyên mới 5 tầng không phép.

Việc nhiều công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo khiến quy hoạch bị phá vỡ, tiện ích công cộng bị thu hẹp dẫn đến sự quá tải hạ tầng.

Từng được ví như “ Hòn ngọc Đông Dương” nhưng thời gian qua, khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo đang bị xâm hại và bê tông hóa nghiêm trọng. Trung tâm thị trấn hiện đang vô cùng ngổn ngang những công trình đang được cấp tập xây dựng; vật liệu, phế thải tập kết khắp nơi, hàng loạt khách sạn quy mô, bề thế đang gấp rút thi công. Bên cạnh đó là khói bụi, tiếng ồn ào từ hoạt động thi công xây dựng khiến khung cảnh càng thêm bí bách, chật chội.

Thời gian qua, khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo đang bị bê tông hóa nghiêm trọng.

Với mật độ xây dựng dày đặc như vậy, Tam Đảo đang bị phá vỡ cảnh quan thơ mộng và yên bình trước đây. Sự mất cân bằng giữa cơ sở hạ tầng và dịch vụ với số lượng khách đổ về đông đặc những ngày cuối tuần đã và đang “đe dọa” làm đảo lộn hệ sinh thái của một khu du lịch nghỉ dưỡng lâu đời này.

Việc buông lỏng quản lý đã khiến khu du lịch nổi tiếng này phải chịu nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, ùn tắc, quy hoạch bị phá vỡ... Điều đáng nói, thực trạng này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng tại sao vẫn ngang nhiên tồn tại? Có hay không hành vi “bảo kê” cho những sai phạm trên?

Để khách quan thông tin, PV đã liên hệ với đại diện Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc, được biết, phía CĐT đã nắm được thông tin báo chí phản ánh nhưng chưa đưa ra được phương án xử lý.

Về phía Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tam Đảo, đơn vị này chưa đưa ra phản hồi nào liên quan đến sự việc trên.

Ai hưởng lợi từ cuộc “chạy đua” bê tông hóa tại Tam Đảo?

Qua khảo sát của PV, tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng ở thị trấn Tam Đảo đang diễn ra vô cùng phức tạp với 71 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan đến lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

Thực hiện kiểm tra, UBND thị trấn Tam Đảo đã xử phạt hành chính 31 trường hợp vi phạm Luật Đất đai, 36 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng.

Ngay trong tháng 11/2020, đoàn công tác của huyện Tam Đảo đã có buổi làm việc với các địa phương và rà soát toàn bộ hồ sơ; kiểm tra thực địa để có cơ sở xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Trước mắt, đoàn công tác của huyện Tam Đảo thống nhất củng cố hồ sơ để giải quyết, xử lý triệt để hơn 10 trường hợp vi phạm Luật Đất đai ở thị trấn này.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: "Việc để nhà đầu tư “dẫn dắt cho hoạt động xẻ núi, san nền, bê tông hóa” là những biến tướng rất nguy hiểm. Không ai dám đảm bảo khi có những biến đổi địa tầng, sẽ không xảy ra một thảm họa như ở tỉnh Quảng Nam vừa qua. KTS Tùng nhận định, trách nhiệm thuộc về UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo và cao hơn nữa là UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, cần có thanh tra làm rõ về những vấn đề xây dựng, quy hoạch tại đây. “Mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, không thể biến pháp luật thành công cụ chở che cho một nhóm người làm giàu và phá cảnh quan Tam Đảo”, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, TS Hà Thanh Hải - Chuyên gia du lịch cũng bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng quá tải về hạ tầng, đường nhỏ hẹp, thiếu bãi đỗ xe của Tam Đảo mà nguyên nhân là do việc xây dựng tràn lan, hàng loạt nhà hàng, khách sạn khoét núi, xây dựng bê tông khiến bộ mặt một thành phố trong mây trở nên nham nhở. Tại sao UBND huyện Tam Đảo nhiều lần gia hạn Thanh tra công trình vi phạm mà những công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại, chậm xử lý?

Trước đó, ngày 08/07/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã văn bản số 5157/UBND-CN3 giao Sở Xây dựng, UBND huyện Tam Đảo theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương tổ chức kiểm tra việc vi phạm của các công trình vi phạm trên địa bàn thị trấn Tam Đảo; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 16/07/2020.

Ngày 27/07/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản số 5646/UBND-CN3 yêu cầu các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Tam Đảo; UBND thị trấn Tam Đảo kiểm tra xử lý vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều công trình vẫn tồn tại và chưa được xử lý triệt để gây bức xúc dư luận địa phương. Đáng chú ý, dù PV đã nhiều lần liên hệ trực tiếp với UBND thị trấn Tam Đảo, Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo nhưng đều bị “từ chối khéo”.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều công trình vẫn tồn tại và chưa được xử lý triệt để gây bức xúc dư luận địa phương

Theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Bài toán quy hoạch đô thị tại các địa phương cần đảm bảo các yếu tố về văn hóa xã hội, đời sống, kinh tế, phù hợp với hệ thống hạ tầng, giao thông. Không thể vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua lợi ích an sinh xã hội.

Thế nhưng, việc quản lý trật tự xây dựng của cơ quan chức năng ở đây là UBND thị trấn Tam Đảo còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm; dẫn đến việc phía chủ đầu tư các dự án nêu trên “ung dung” hưởng lợi mà chưa thật sự tuân thủ quy định pháp luật. Số tiền lợi nhuận thu được từ việc xây dựng vượt quy hoạch sẽ “đi về đâu”, doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế hay không?

Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những sai phạm tồn tại lại là bài toán có quá nhiều điều kiện, khó thoả mãn yêu cầu về quy hoạch.

Để xử lý triệt để tình trạng xây dựng tràn lan, sai phép thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng "mặc" phản ánh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ngày 23/03/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Văn bản số 13/2020/QĐ-UBND quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong quản lý TTXD. Theo đó, UBND trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, thị trấn:

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

b) Khi phát hiện hoặc tiếp nhận phản ánh công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện:

- Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền: Lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời yêu cầu Chủ đầu tư ngừng thi công công trình. Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

- Đối với trường hợp vượt thẩm quyền: Chỉ đạo lập biên bản vi phạm hành chính chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn 03 ngày làm việc;

- Thường xuyên theo dõi, giám sát việc ngừng thi công công trình vi phạm. Trường hợp Chủ đầu tư không ngừng thi công thì áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định để thực hiện cưỡng chế buộc ngừng thi công xây dựng công trình thuộc thẩm quyền và thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã buông lỏng quản lý không thực hiện kịp thời.

c) Tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

d) Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.

Như vậy, người đứng đầu huyện, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trực tiếp hoặc gián tiếp trong quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền được giao. Văn bản nêu rõ: Nếu người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, nếu không tự nguyện thực hiện quyết định xử lý, quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Theo Hải Miên - Trúc An/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/ai-tiep-tay-cho-hang-loat-du-an-sai-pham-nghiem-trong-tai-tam-dao-1608883230350.html