Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi người Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn với công chức, viên chức, người lao động bởi từng nội dung thiết thực trong tấm gương của Bác làm chúng ta cống hiến được nhiều cho Tổ quốc, nhân dân hơn và góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn mới...
Trong bài “Bác ơi”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác sống như trời đất của ta / Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa”. Yêu thiên nhiên, chan hòa với môi trường sống xung quanh là một trong những phẩm chất mà chúng ta rất nên học từ Người để thấy những ý nghĩa sâu xa trong tác phong giản dị này.
Những ý nghĩa lớn lao
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Nghệ An, người thanh niên Nguyễn Tất Thành thấm đẫm văn hóa, con người, vùng đất miền Trung với những câu hò ví dặm, với dòng sông Lam. Bây giờ, về quê Bác thăm ngôi nhà đơn sơ Bác sống thuở thiếu thời, chúng ta có thể cảm nhận rõ được không gian xanh mướt bóng cây bên căn nhà lá đượm dấu thời gian.
Không gian sống ấy lý giải tại sao khi mới về nước, hoạt động tại Cao Bằng, Bác lại chọn hang Pác Bó để sống và làm việc. Ở nơi ấy Bác “Sáng ra bờ suối, tối vào hang / Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng / Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng / Cuộc đời cách mạng thật là sang” (Tức cảnh Pác Bó, Hồ Chí Minh).
Đến khi chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Bác cũng chọn ở lán Nà Lừa ở Tuyên Quang. Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập 500m về phía Đông, được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp.
Rồi sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trở thành Chủ tịch nước, Người cũng chỉ chọn căn nhà sàn đơn sơ trong Phủ Chủ tịch. Hiếm có vị nguyên thủ quốc gia nào sống cần kiệm, giản dị đến mức như thế.
Lối sống ấy là lối sống nhất quán của Bác từ những ngày hoạt động Cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc chỉ huy các chiến dịch hay ở giữa Thủ đô tiếp khách ngoại giao. Chúng ta vẫn thuộc làu những câu thơ, câu hát như: “Một nhà sàn đơn sơ vách nứa / Bốn bên nước chảy cá bơi vui / Đêm đêm cháy hồng lên bếp lửa / Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi / Nơi đây sống một người tóc bạc/ Người không con mà có triệu con / Nhân dân ta gọi Người là Bác / Cả đời người là của nước non” (Quê hương Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi).
Lớp lớp người Việt Nam và bạn bè quốc tế ngày nay vẫn hàng ngày xếp hàng dài để được vào viếng Lăng Bác, thăm nơi ở của Bác với “Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa / Có hồ nước lặng sôi tăm cá / Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa / Có rào râm bụt đỏ hoa quê / Như cổng nhà xưa Bác trở về / Có bốn mùa rau tươi tốt lá / Như những ngày cháo bẹ măng tre” (Thăm cõi Bác xưa, Tố Hữu).
Có tận mắt ngắm nghía “gia tài” của Bác mới thấy Người chẳng màng chút vật chất gì cho bản thân. Có lẽ, chính bởi thế mà Người mới có thể “Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa / Chỉ biết quên mình, cho hết thảy / Như dòng sông chảy, nặng phù sa” (Thăm cõi Bác xưa, Tố Hữu).
Thì ra, triết lý mà Bác gửi gắm trong tình yêu thiên nhiên của mình thực sự rất cao cả và sâu xa. Gần gũi với thiên nhiên con người mới giữ được tâm mình trong sáng, không màng danh lợi cho riêng bản thân để nghĩ rộng hơn, làm những điều có lợi cho tập thể, cho Tổ quốc.
Hòa mình vào thiên nhiên cũng là để những lo lắng, muộn phiền thường nhật tan biến đi, cho tâm hồn mình được cân bằng, thư thái. Có như thế chúng ta mới sáng suốt để đưa ra những quyết định đúng, tránh sai lầm.
Còn một điều cũng quan trọng không kém, là chỉ khi biết yêu thương cỏ cây hoa lá, biết trân trọng từng sự sống nhỏ nhoi thì ta mới biết yêu thương con người. Sống chan hòa với thiên nhiên cũng là để bảo vệ môi trường, một trong những tầm nhìn xa của Bác khi mà hiện nay, trong thế giới hiện đại bảo vệ môi trường là một vấn đề bức thiết của toàn cầu.
Khi ta biết trân trọng những nhành lúa, mỗi cành hoa chính là chúng ta đang duy trì cho mình một thói quen tốt, bảo vệ sức khỏe bản thân bởi có khỏe mới có thể học tập, làm việc, cống hiến cho gia đình, cho đất nước.
Duy trì “văn phòng xanh, cơ quan xanh”
Giống như Bác từng chăm chút cho khu vườn trong Phủ Chủ tịch của mình khi xưa khiến ngày nay, bao người dân trong nước và nước ngoài đến đều nghiêng mình, ngưỡng mộ sự gần gũi thiên nhiên của Người, công chức, viên chức, người lao động của Hà Nội, đặc biệt là Thành đoàn Hà Nội từ lâu nay đã duy trì thói quen giữ gìn “văn phòng xanh, cơ quan xanh”.
Với những ưu điểm vượt trội, văn phòng xanh mang đến một không gian làm việc thoải mái, tràn đầy năng lượng, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí vận hành.
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu thì văn phòng xanh là xu hướng thiết kế được các nhà đầu tư chú trọng, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu sống và làm việc trong những không gian xanh của nhiều người.
Sử dụng văn phòng xanh là hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường, giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu.
Điều này cũng là học tập theo Bác, giữ cho môi trường xanh quanh ta, thả hồn vào cây cối hoa lá để tĩnh lặng tâm hồn, biết yêu thiên nhiên, yêu con người hơn.
Từ năm 2014, mô hình “Văn phòng xanh, cơ quan xanh, trường học xanh” là một trong 6 mô hình tình nguyện của Đoàn Thanh niên Thành phố triển khai trong Năm Thanh niên tình nguyện. Đây là mô hình nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô nâng cao cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp.
Làm việc trong môi trường công sở xanh, nhiều bóng hoa và lá sẽ khiến sức khỏe người lao động được đảm bảo hơn, từ đó sẽ nâng cao hứng khởi, tạo nhiều thành công hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng đã giúp duy trì văn minh công sở, những thói quen ứng xử có văn hóa hơn.
Tại các điểm triển khai mô hình “Văn phòng xanh, cơ quan xanh, trường học xanh” đều gắn với các tiêu chí “3 không, 3 có”, mỗi người sẽ thấy cần phải có ý thức bảo vệ không gian làm việc xanh của mình bằng những hành động cụ thể như: Không hút thuốc lá; Không xả rác bừa bãi; Không xâm phạm cảnh quan chung; 3 có là: Có đăng ký chăm sóc hoặc trồng hoa, cây xanh; Có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; Có không gian làm việc, sinh hoạt ngăn nắp.
Nhiều năm qua, mô hình này tiếp tục được duy trì, phát triển ở các cơ quan của Thành đoàn, Thành phố. Đây chính là hành động học tập, vận dụng các bài học, tác phong, đạo đức của Bác Hồ một cách thiết thực nhất vào đời sống công sở hiện nay, tạo môi trường làm việc văn minh và thân thiện.
(Còn nữa)