Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Giá trị của cây xanh tại khu đô thị Xa La bị xem nhẹ
Khu đô thị Xa La do Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư, theo đó, Dự án được khởi công vào năm 2007 với tổng diện tích quy hoạch 209.480m2, bao gồm 10 tòa nhà cao từ 21 đến 34 tầng, khu nhà ở liền kề, biệt thự, trung tâm thương mại, khách sạn, trường học. Một khu đô thị rộng lớn như vậy, không thể thiếu đi các công viên cây xanh, không chỉ đẹp về mặt mỹ quan đô thị mà còn mang lại nhiều lợi ích cho con người.
Một trong những tác dụng lớn nhất của cây xanh trong đô thị, đó là nó cải thiện rõ rệt môi trường sống của người dân. Với mật độ dân cư đông, cùng với lượng khí thải từ nhà máy, xe cộ,… tình trạng chung của các khu đô thị chính là môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cây xanh sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu những khíđộc như NO2, CO2, CO…Theo nhiều nghiên cứu, cây xanh có thể hấp thụ tới 6% các loại khí thải độc. Cây xanh sẽ giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Vì vậy có thể xem cây xanh là lá phổi của đô thị.
Bên cạnh đó, cây xanh còn có tác dụng hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước làm không khí bức bối của đô thị trở nên mát mẻ, trong lành hơn. Đồng thời, khi ánh sáng mặt trời gay gắt, tán cây sẽ che chở cho con người, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra cây xanh còn giúp chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sống của người dân trở nên yên tĩnh hơn.
Cây xanh luôn được xem là một trong những yếu tố phản ánh văn minh thành phố. Nó có vai trò to lớn trong việc hạn chế bớt những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, làm đẹp cho cảnh quan và cải thiện môi trường sống của con người.
Thế nhưng, tại Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông thì những công viên cây xanh lại đang bị biến thành các bãi đỗ xe. Đặc biệt là dưới chân tòa chung cư CT 5 đã xuất hiện những bãi xe tự phát, lấn chiếm công viên cây xanh.
Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, rất khó để thấy hàng chục chiếc xe ô tô được dừng đỗ dưới những tán cây, “trèo” lên vỉa hè, được bóng mát tự nhiên che phủ. Không chỉ có xe ô tô, mà tại những công viên này còn mọc lên bốt bảo vệ, mái tôn che nắng che mưa. Theo đó, mỗi xe ô tô gửi tại đây có giá 30.000 đồng/tiếng, nhận giữ xe qua đêm là 120.000 đồng/ngày và 1.500.000 đồng/tháng/xe.
Việc xây dựng công viên tại các khu đô thị là một chủ trương đúng đắn, ích nước lợi dân, phục vụ nhu cầu của người dân có nơi vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi, căng thẳng,… góp phần tăng cường sức khỏe, gắn kết cộng đồng. Sử dụng đất công viên cho bất kỳ mục đích nào khác, dù dưới hình thức nào cũng đều là xâm phạm tới quyền lợi của người dân, đi ngược lại chủ trương của Ðảng, Nhà nước, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới mỹ quan đô thị, an ninh, trật tự xã hội.
Cũng tại Khu đô thị Xa La, Khu dịch vụ 16 từ lâu đã xuất hiện “chợ dân sinh Xa La”, được người dân sử dụng chính vỉa hè, bãi đất trống để xây dựng lên các ki ốt bán hàng, ăn uống. Đáng nói là trong một khu đô thị lớn, việc không được quy hoạch và quản lý rõ ràng khiến khu chợ trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch tễ.
Bài toán quy hoạch điểm đỗ xe tại Hà Nội
Năm 2003, UBND thành phố đã có Quyết định 165 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng đến năm 2020. Theo đó, Hà Nội dự kiến xây dựng đến năm 2020 có 796,82 ha đất đỗ xe (chiếm tỷ lệ 3,18% diện tích đất xây dựng đô thị). Tuy nhiên, cho đến nay, theo số liệu của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (GTVT), diện tích đất dành cho giao thông tĩnh tại Thủ đô mới chỉ đạt 0,11% đất xây dựng đô thị, đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu người dân.
Theo quyết định 165, ngoài hàng chục dự án (DA) vẫn còn nằm trên giấy thì nhiều DA đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng, biến thành trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc, văn phòng cho thuê, thậm chí là trụ sở của cơ quan Nhà nước… Có thể kể tên hàng loạt vị trí như: Lô đất 1.400 m² tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài được “phù phép” thành DA tòa nhà văn phòng cao cấp cho thuê; Khu đất 2.000 m² trên phố Tràng Thi giờ được xây siêu thị; Lô đất 3.000 m² tại số 16 Phan Chu Trinh quy hoạch điểm đỗ xe được xây thành tòa nhà ngân hàng; Tòa nhà 16 Cát Linh được quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe phục vụ dân cư và sân vận động Hàng Đẫy nay trở thành văn phòng của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội…
Thừa nhận câu chuyện trước đây từng có những vị trí được quy hoạch làm bãi đỗ xe nhưng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hà Nội lý giải, quy hoạch các DA bến xe, bãi đỗ xe trước đây mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết. Khi nhà đầu tư (NĐT) vào triển khai, phải thực hiện việc lập quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết, việc này mất rất nhiều thời gian khiến một số NĐT nản. Trong khi đó, năng lực tài chính của một số NĐT còn hạn chế, không ít đề xuất nghiên cứu DA chỉ mang tính chất định hướng giữ đất chứ không thật sự đầu tư.
Từ góc độ của NĐT, một lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thẳng thắn chia sẻ, nhìn vào lượng phương tiện, tiềm năng thị trường, nhiều NĐT nước ngoài cũng đã tìm đến. Nhưng sau khi thấy còn quá nhiều vướng mắc, họ đành rút lui.
Lấy thí dụ về quá trình thực hiện DA giàn thép đỗ xe cao tầng tại phố Nguyễn Công Hoan, vị lãnh đạo này cho hay: DA xây dựng trên một mương công cộng nên ngay từ khâu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư (bắt buộc phải có hợp đồng thuê hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho đến việc tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố gặp khá nhiều khó khăn… Tuy nhiên, chúng tôi may mắn nhận được sự hậu thuẫn, tháo gỡ của UBND thành phố nên sau hơn hai năm, DA đã hoàn thành để đưa vào vận hành. Có điều, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, phải mất tầm 20 năm DA mới có thể thu hồi được vốn.
Một NĐT khác phân tích, sau khi tính kịch khung mức giá trông giữ phương tiện, trung bình giàn thép đỗ xe trên cao cần khoảng 20 năm mới thu hồi được vốn, còn bãi đỗ xe ngầm thì phải tầm… 70 - 100 năm. Chưa kể nếu các bãi đỗ xe lậu, đỗ xe trái phép vẫn tràn lan thì rủi ro thu hồi vốn với NĐT là rất lớn. Thực tế, NĐT phải “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ” và chịu mạo hiểm, rủi ro trong quá nhiều năm nên so những DA khác như trung tâm thương mại, chung cư, văn phòng cho thuê…, đầu tư vào bãi đỗ xe không hấp dẫn bằng.
Tất cả vẫn chỉ... nằm trên giấy
Từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, bảy dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Công viên Tuổi trẻ... đến nay đều chưa được khởi công. Thậm chí, từ năm 2016 - 2018, thành phố đã có Nghị quyết về khuyến khích các NĐT nghiên cứu các không gian ngầm để xây dựng bãi đỗ xe, với danh mục gần 40 DA; đồng thời bố trí quỹ đất mới phục vụ thương mại để giúp NĐT thu hồi vốn, nhưng đến nay mới có vài NĐT đăng ký.
Sau bao nhiêu năm, hàng loạt DA bãi đỗ xe ngầm vẫn… nằm trên giấy. Ngoài lý do tổng mức đầu tư quá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, các DA bãi đỗ xe ngầm đều đang vướng ở khâu quan trọng nhất là quy hoạch. Thực tế, cho đến nay Hà Nội vẫn chưa duyệt được quy hoạch không gian ngầm chung cho toàn thành phố. Mặt khác, còn rất nhiều vấn đề liên quan tới không gian ngầm chưa được làm rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mà để tháo gỡ vấn đề này thì riêng Hà Nội không làm được.