Vào đầu tháng 3 âm lịch hằng năm (tiết Thanh minh), người dân thường đi tảo mộ để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất.

Ngày Thanh minh năm 2020 rơi vào thứ Bảy ngày mùng 4/4 dương lịch (12/3 âm lịch). 

Dưới đây là bài văn khấn Tết Thanh minh chuẩn nhất trong nhà, ngoài trời theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam mà các gia đình có thể tham khảo.

Bài văn khấn Lễ vong linh ngoài mộ

Vào đầu tháng 3 âm lịch hằng năm (tiết Thanh minh), người dân thường đi tảo mộ để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất. (Ảnh minh họa)

Sắm lễ tảo mộ Tiết Thanh minh thường bao gồm: Hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu thịt (chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc), hoa quả.

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

- Con Kính lạy Hương linh... (Hiển khảo, Hiển tỷ hoặc Tổ Khảo...

Hôm nay là ngày....

Nhân tiết: ...

Tín chủ (chúng) con: ...

Ngụ tại: ...

Chúng con và toàn thể gia đình con cháu, nhờ công ơn võng cực, nền đức cao dầy, gây dựng cơ nghiệp của... chạnh lòng nghĩ đến âm phần ở nơi hoang vắng, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước mộ, kính mời chân linh... lai lâm hiến hưởng.

Chúng con xin phép được sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ, tu sửa minh đường hậu quỷ cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật Thánh phù trì, đội đức trời che đất chở, cảm niệm Thần linh phù độ, khiến cho được chữ bình an, âm siêu dương thái. Con cháu chúng con xin vì chân linh... Phát nguyện tích đức tu nhân, làm duyên, làm phúc cúng dâng Tin Bảo, giúp đỡ cô nhi quả phụ, tế bần cứu nạn, hiếu thuận tông nhân để lấy phúc này hướng về Tiên Tổ.

Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì con cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều dữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hờ tươi tốt, cháu con vinh hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh.

Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám.

Sau khi khấn xong, đợi hết 2/3 tuần hương thì đi lễ tạ các nơi, hóa vàng, xin lộc và mọi người trở về nhà làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.

Bài văn khấn cúng Tết Thanh Minh tại nhà

Tùy theo mỗi gia đình, có thể làm mâm cơm cúng với đầy đủ xôi, gà luộc, hoặc giò, canh măng, miến, thêm đĩa xào hoặc chỉ thắp hương bình thường với hoa quả tươi, trà, thuốc... để thông báo với ông bà tổ tiên đã khuất về ngày Thanh Minh.

Gia chủ sửa sang quần áo nghiêm túc, đứng trước hương án, thắp hương, đốt đèn, sau đó khấn:

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.

Con lạy gia tiên tiền tổ, họ hàng nội ngoại hai bên gia tộc họ…

Con lạy bà tổ cô ông mãnh, ông bà, cô bé Đỏ, cậu bé Đỏ tại gia

Hôm nay là ngày... tháng... năm...

Nay con giữ việc phụng thờ tên là..., tuổi…, sinh tại xã..., huyện..., tỉnh... cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.

Kính mời thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.

Kính dâng lễ bạc: trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật lòng thành nhân dịp tiết Thanh Minh, kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.

Con thành tâm thành kính cúi xin gia tiên tiền tổ, bà tổ cô ông mãnh, ông bà… phù hộ độ trì, đề tâm xếp nếp, vuốt ve che chở cho đại gia đình con bình an, thịnh vượng, ba tháng mùa hè chín tháng mùa đông đều mát mẻ, tốt tươi. Điều lành mang lại, điều dữ mang đi cho công việc của gia đình con đều thuận buồn xuôi gió, gặp nhiều may mắn.

Chúng con kính dâng lễ bạc tâm thành, cúi xin gia tiên chứng minh chứng giám cho lòng thành của toàn thể gia quyến.

Nam mô A di Đà Phật! (3 lần).

Sau khi đọc xong bài khấn, gia chủ vái ba vái, chờ tuần hương sau đó hóa vàng, hạ mâm lễ để thụ lộc.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Thanh Minh

Tết Thanh Minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông. Đây là một trong 24 tiết khí.

Theo quy ước, tiết Thanh minh sẽ bắt đầu từ ngày mùng 4 hoặc mùng 5/4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hoặc 21/4.

Từ thời nhà Thanh, sau khi sửa đổi lịch thì Tết Thanh Minh sẽ diễn ra vào ngày tiết Thanh Minh. Tại Trung Quốc và 1 số quốc gia thì Tết Thanh Minh là ngày quốc lễ.

Tại Việt Nam, các tỉnh Bắc Bộ và cộng đồng người Hoa thì ăn Tết theo ngày tiết Thanh Minh như Trung Quốc. Các tỉnh Trung Bộ thì ăn Tết Thanh Minh vào ngày 3/3 âm lịch. Các tỉnh miền Nam có nhiều người Hoa sinh sống thì thường ăn Tết Thanh Minh vào ngày 4/4 dương lịch.


Theo Mai Anh (T/h)/Đô Thị Mới