Người tiêu dùng Việt khi ấy đã ít nhiều bất ngờ vì lần đầu tiên có một sản phẩm đóng gói, pha sẵn mà lại khẳng định mình... “tươi”.

Nhưng thực tế thì trước đó không lâu, Công ty cổ phần Vinamit đã tung ra thị trường sản phẩm cà phê tươi và nước mía ép đông khô - được sản xuất bằng công nghệ sấy đông khô (frezze - dried).

Có nghĩa Nuticafé tươi không phải là sản phẩm đầu tiên được áp dụng công nghệ giữ nguyên độ tươi và tinh khiết bằng cách làm khô, cô đặc ở nhiệt độ thấp.

Bao nhiêu % thì đủ “tươi”?

Với 14% cà phê và 0,5% hạt cà phê rang xay, liệu Nuticafe có tươi như quảng cáo? (Ảnh: Hoàng Linh)

Với 14% cà phê hòa tan và 0,5% cà phê rang xay nhuyễn, liệu Nuticafé có tươi như quảng cáo? (Ảnh: Hoàng Linh)

Tuy nhiên, Nuticafé được chú ý bởi chữ “TƯƠI” mà lần đầu tiên một thương hiệu “dám” mạnh dạn dùng nó cho sản phẩm đóng gói.

Trong tư duy cố hữu của người tiêu dùng thì khái niệm tươi chỉ dùng cho rau quả mới hái từ cây xuống, thịt cá mới bắt từ ao lên, còn cà phê hòa tan nhưng lại tươi thì đúng là lần đầu thị trường được nghe. Bởi lẽ, các sản phẩm đóng gói sẵn và có hạn sử dụng từ 1 đến 2 năm thì ắt sẽ có thêm các loại hóa chất, chất bảo quản trong thành phần nên với chúng khái niệm tươi là không thể.

Nhưng phải chăng Nuticafé đã làm được, với thành phần gồm 73,5% là bột kem, đường, muối, hương cà phê, chất làm dầy, chất tạo ngọt; 12% bột kem sữa 12% cùng 14% cà phê hòa tan và 0,5% cà phê rang xay nhuyễn – cà phê của Nutifood  đang được quảng cáo là tươi - sản phẩm cà phê hòa tan nhưng vẫn giữ được vị tươi và hương thơm tự nhiên của cà phê pha phin với sữa đặc.

Nuticafé sữa đá tươi có gì khác biệt?

Theo lời giới thiệu, Nuticafé - cà phê sữa đá tươi áp dụng công nghệ Ice Flash trích ly cô đặc cà phê dưới 0 độ C, tức là tách nước dưới dạng tinh thể đá để làm đặc dịch cà phê trước khi sấy cùng cà phê hạt rang xay nhuyễn (kích thước khoảng 100 micromét). Sau đó, hỗn hợp được trộn với bột kem sữa và tạo ra sản phẩm cà phê hòa tan Nuticafé.

Việc áp dụng công nghệ trích ly cô đặc được quảng cáo sẽ giúp giữ được vị tươi và hương thơm tự nhiên của cà phê pha phin với sữa đặc.

Tuy nhiên, thông tin từ Viện Công nghiệp Thực phẩm cho hay, hiện nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn nào để đánh giá cà phê hòa tan một cách chi tiết như sản phẩm cà phê bột và cà phê nhân. Do đó, việc kiểm định và đánh giá chất lượng chỉ dựa trên thông số các nguyên liệu có trong mẫu sản phẩm, lượng caffein, đường, sữa có trong từng sản phẩm. Có nghĩa, việc khẳng định cà phê Nuticafé "tươi" là điều còn phải bàn thêm.

Đáng chú ý, khi phân tích, so sánh thành phần của Nuticafé với một số nhãn hiệu cà phê hòa tan có trên thị trường hiện nay như Nescafe, cà phê G7, cà phê Wake up hay VinaCafe thì càng khó hình dung được khái niệm “tươi” mà nhà sản xuất nhắc đến.

Thành phần của Nuticafé không khác biệt nhiều so với một số loại cà phê hòa tan khác. (Ảnh: Hoàng Linh)

Về thành phần cà phê có thể thấy Nescafé đang có hàm lượng cà phê cao nhất với 32% hỗn hợp cà phê hòa tan, thành phần cà phê của Nuticafé hiện đang ngang bằng với Vinacafé với 14% cà phê hòa tan. Lượng cà phê thấp hơn ở nhóm cà phê G7 và Wake up. Như vậy, khác biệt của Nuticafé hay chăng chỉ là 0,5% cà phê rang xay nhuyễn.

Sự góp mặt của cà phê tươi thương hiệu Vinamit vào phân khúc thị trường cà phê hòa tan dù không thực sự tạo được sức hút nhưng nếu so sánh về thành phần với 100% là hạt cà phê Arabica thì dường như đây mới là khái niệm tươi thực sự với thành phần cà phê nguyên chất không có chất hóa học hay các chất phụ gia khác.

Sản phẩm cà phê của Vinamit.

Sản phẩm cà phê tươi sấy của Vinamit.

Công nghệ trích ly cô đặc của Nuticafé hay sấy đông khô của cà phê thương hiệu Vinamit thực tế chỉ giúp giữ nguyên hương vị của sản phẩm, còn tươi hay không có lẽ cần phải nhìn vào thành phần có trong 1 cốc cà phê. Các loại chất tạo hương, chất tạo ngọt, hương cà phê, bột kem... về bản chất đã là chất hóa học hoặc có thành phần hóa học nên rất khó để nói một sản phẩm có đầy đủ các thành phần chất và hương liệu như vậy là tươi.

Nhưng dù sao, đây cũng là một bước tiến đầy dũng cảm của các thương hiệu khi bước vào thị trường không chỉ chịu áp lực cạnh tranh từ các tiền bối đi trước như Trung Nguyên, Vinacafe mà còn từ các thương hiệu cà phê nước ngoài. Còn việc tồn tại, phát triển hay không thì cần chờ thời gian và câu trả lời thực tế nhất sẽ đến từ người dùng - những người trực tiếp thưởng thức và có cái nhìn khách quan nhất về sản phẩm.

Theo Vân Hà/Đô Thị Mới