Theo đó, các công trình Khu phố cổ, bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa (nhà ở, giếng, nhà thờ tộc, đình, miếu, hội quán, chùa, thánh thất, mộ, chợ, cầu), các công trình dân dụng khác (nhà ở, nhà và công trình công cộng), công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, công trình giao thông đô thị), cảnh quan khu vực, cây xanh đô thị… được quy định bảo vệ chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu giữ gìn nguyên vẹn và lâu dài Khu phố cổ với việc đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện tại của cộng đồng dân cư sống trong Khu phố cổ.
UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc bảo vệ Khu phố cổ phải gắn liền giữa bảo tồn di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng không làm tổn hại đến di sản.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng mọi hoạt động tu bổ di tích chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các hoạt động liên quan đến sử dụng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thi công công trình tránh những tác động làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái.
Quy định tu bổ di tích trong khu vực I (Di tích loại đặc biệt và loại 1): Khi tu bổ cần đảm bảo giữ công năng (chức năng) vốn có của từng bộ phận và toàn bộ công trình, bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc, không gian thờ tự.
Trường hợp bắt buộc phải thay thế một bộ phận cũ, vật liệu - chất liệu cũ bằng một bộ phận mới, vật liệu - chất liệu mới thì thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính cần thiết, tính khoa học của việc thay thế đó và đảm bảo tính chính xác từng chi tiết của các “yếu tố mới” so với các “yếu tố gốc”.
Di tích loại 2: Nếp nhà trước cần được giữ nguyên trạng hoặc phục hồi các yếu tố gốc, không gian thờ tự. Phần còn lại phía sau, tùy theo vị trí, đặc điểm của từng di tích, các nếp nhà được cải tạo nội thất, mái lợp ngói âm dương đất nung và giữ nguyên diện tích, chiều cao, số tầng. Trường hợp cần thiết, phải phục hồi hoặc phục chế những bộ phận đã bị biến dạng của di tích khi có đủ cơ sở khoa học.
Di tích loại 3: Nếp nhà trước tu bổ theo nguyên trạng hoặc tôn tạo mái ngói và tu bổ mặt tiền cùng các mặt bên (phần nhìn thấy được) theo kiểu thức truyền thống của khu vực I; được cải tạo nội thất thích nghi với các chức năng mới nhưng đảm bảo giá trị di tích được bảo tồn. Phần còn lại phía sau, tùy thuộc vào vị trí, đặc điểm của di tích và kiến trúc các di tích gần kề được phục hồi theo kiến trúc truyền thống Khu phố cổ hoặc cải tạo nội thất, cơi nới nhưng đảm bảo hài hòa với cảnh quan Khu phố cổ và không che khuất các di tích loại đặc biệt, loại 1.
Các di tích, công trình còn lại: Khi tu bổ, sửa chữa, cải tạo, xây mới mái lợp ngói âm dương đất nung; mặt tiền, các mặt bên (phần nhìn thấy được), nền nhà đảm bảo hài hoà với cảnh quan Khu phố cổ; phần còn lại phía sau tùy thuộc vào đặc điểm của kiến trúc các di tích gần kề và vị trí, độ cao vốn có của di tích, công trình, các nếp nhà có thể được cơi nới nhưng đảm bảo hài hòa với cảnh quan Khu phố cổ và không che khuất các di tích xung quanh loại đặc biệt, loại 1, loại 2.
Riêng các di tích, công trình thuộc tuyến phố chính (trừ đường Huyền Trân Công Chúa, Công Nữ Ngọc Hoa, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Hiệu), nếp nhà trước giữ nguyên số tầng, khoảng lùi hiện có. Đối với dãy nhà mặt tiền đường Huyền Trân Công Chúa, khi sửa chữa, cải tạo, xây mới đảm bảo khoảng lùi tối thiểu 1m kể từ mép trong vỉa hè dự kiến mở rộng hoặc cách mép trong của cống thoát nước là 5m.
Đối với các nếp nhà sau các di tích loại 2, loại 3, loại 4 tiếp giáp với khu vực IIA thuộc dãy nhà số chẵn đường Phan Châu Trinh, số lẻ đường Hoàng Diệu, số chẵn đường Phan Bội Châu và hai dãy nhà đường Lê Lợi (từ ngã tư đường Phan Châu Trinh đến ngã tư đường Trần Hưng Đạo), đường Nguyễn Duy Hiệu: Khi được phép tu bổ, tôn tạo với kết cấu 2 tầng, sàn tầng 2 được sử dụng vật liệu bê tông cốt thép; toàn bộ phần cảnh quan, kết cấu kiến trúc bên ngoài, phần lộ ra (độ cao, vật liệu, màu sắc, hệ thống cửa, tường, mái)
Riêng nếp nhà sau (nếp nhà thứ ba, cách chỉ giới xây dựng tối thiểu 12m) của hai dãy nhà mặt tiền đường Hùng Vương đoạn từ ngã ba Tin Lành đến đường 18 tháng 8 (đối với dãy số lẻ) và đến hoa viên phía trước chùa Viên Giác (đối với dãy nhà sổ chẵn), dãy nhà số chẵn đường Trần Hưng Đạo và nếp nhà sau (nếp nhà thứ hai, cách chỉ giới xây dựng tối thiểu 6m) của dãy nhà số lẻ đường Phạm Hồng Thái cho phép không quá 3 tầng, độ cao đến đỉnh mái không quá 13,5m tính từ cốt vỉa hè.
Dãy nhà nằm ở bờ Nam sông Hội An đối diện Khu phố cổ thuộc địa phận phường Cẩm Nam, dãy mặt tiền đường Nguyễn Phúc Chu, hai dãy nhà mặt tiền đường Phan Bội Châu, dãy nhà mặt tiền đường Huyền Trân Công Chúa (đoạn từ đường Trương Minh Lượng đến đường Phạm Hồng Thái): Khi xây dựng nếp nhà trước và nếp nhà thứ hai được phép xây dựng độ cao không quá 8,5m tính từ cốt vỉa hè đến đỉnh mái, không quá 2 tầng; những nếp nhà còn lại không quá 11,5m và không quá 3 tầng, mỗi nếp nhà có chiều sâu tối thiểu là 6m, mái lợp ngói âm dương đất nung.
Công trình, nhà ở khi sửa chữa, xây mới không quá 3 tầng, độ cao không quá 13,5m tính từ cốt vỉa hè (trừ đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Lý Thường Kiệt, dãy nhà số chẵn đường Cao 6 Hồng Lãnh, nếp nhà trước xây dựng công trình không quá 2 tầng, độ cao không quá 10,5m tính từ cốt vỉa hè); một số công trình có yếu tố đặc thù riêng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể về độ cao.
Mái của các công trình là mái dốc; màu mái và màu tường đảm bảo hài hòa với màu sắc của khu vực IIA, riêng các công trình có mặt tiền bám theo các trục đường chính (Nguyễn Trường Tộ, Hùng Vương, Trần Cao Vân, Cao Hồng Lãnh, La Hối, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Hoàng), mái lợp ngói 22v/m2 màu đỏ, độ dốc mái đảm bảo từ 50 - 60%.
Công trình, nhà ở tại vị trí đoạn bờ Nam của khu An Hội (từ phía Đông khách sạn Vĩnh Hưng 4 đến giáp khu quy hoạch vui chơi giải trí Đồng Hiệp), mặt tiền ngôi nhà hướng ra sông. Đối với các ngôi nhà vừa bám đường bêtông, vừa bám bờ sông bố trí hai mặt tiền, kiến trúc công trình đảm bảo hài hòa với kiến trúc Khu phố cổ, kết cấu nếp nhà thứ nhất và nếp nhà thứ hai hướng sông (mỗi nếp nhà tối thiểu 6,0m) không quá 2 tầng, độ cao không quá 10,5m tính từ cốt vỉa hè, những nếp nhà còn lại không quá 3 tầng và không quá 13,5m, mái dốc, lợp ngói 22v/m2 .
Ngoài các quy định cụ thể nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng quy định lắp dựng mái che và giàn hoa; quy định mức hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích; hoạt động tham quan Khu phố cổ; bảo vệ an ninh trật tự…
Nguồn: https://reatimes.vn/ban-hanh-quy-che-bao-ve-di-san-van-hoa-the-gioi-khu-pho-co-hoi-an-1608797809602.html