Càng nổi tiếng càng dễ bị làm giả
Trong cuốn “Thần nông bản thảo” – cuốn sách dược lý lâu đời nhất ở phương Đông đã nhắc đến nhân sâm như một loại thần dược và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y: Sâm, nhung, quế, phụ.
Nhân sâm có nhiều loại, bao gồm nhân sâm tươi, bạch sâm, hồng sâm, hắc sâm. Trong đó, hồng sâm là sâm tươi được hấp bằng hơi nước. Nó được nhiều người dùng Việt Nam ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao cùng sự tiện lợi, dễ sử dụng.
Theo báo cáo của Văn phòng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại TP.HCM, Việt Nam là một trong những thị trường nhập khẩu nhân sâm Hàn Quốc lớn nhất Đông Nam Á từ năm 2015 đến nay.
Tuy nhiên, thị trường nhân sâm tại Việt Nam lại khá phức tạp, nhất là hồng sâm. Trong đó, nhân sâm Hàn Quốc phải cạnh tranh khốc liệt với nhân sâm đến từ Trung Quốc, với lợi thế giá rẻ khiến sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng khá nhanh.
Ngoài ra, ở Việt Nam, khái niệm nhân sâm và hồng sâm vẫn còn khá mơ hồ với nhiều người dùng, các tiêu chí lựa chọn hồng sâm tốt cũng khá mập mờ, gây không ít hoang mang cho người sử dụng. Chưa kể, sản phẩm này có giá thành đắt, không phổ biến đại chúng khiến hiểu biết của nhiều người về sản phẩm không nhiều.
Thị trường hồng sâm đang có nhiều thương hiệu hoạt động dưới cái tên chung chung là hồng sâm Hàn Quốc, trong đó chỉ có một số thương hiệu hồng sâm uy tín, có lịch sử lâu đời. Điều này khiến không ít người dùng đã nghiên cứu kỹ nhưng vẫn cảm thấy rối khi lựa chọn.
Những khó khăn trên đã tạo điều kiện cho hồng sâm giả xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Ông Choi Sung Geun – Chủ tịch của Daedong Korea Ginseng, một trong những công ty sản xuất sâm hàng đầu của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam cho rằng, sản phẩm hồng sâm của họ cũng bị làm giả và được bán công khai tại Việt Nam.
“Đó là một có một thực trạng hết sức đáng tiếc khi nhiều sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái lại sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi thấy đây là một vấn đề hết sức quan ngại”, ông Choi nói.
Cũng theo ông Choi, công ty ông phát hiện sản phẩm hồng sâm bị làm giả từ cuối năm 2018, sau khi được xác minh cụ thể và thu thập đầy đủ bằng chứng. Tháng 9 vừa qua, Daedong Korea Ginseng đã cử người sang Việt Nam làm hồ sơ chứng thực và kiện đơn vị làm giả.
“Hiện tượng hàng giả, hàng nhái này tuy cho thấy các sản phẩm ngày càng biết đến rộng rãi và được người dùng ưa chuộng hơn nhưng nó sẽ hạ thấp giá trị thương hiệu của hàng thật. Thậm chí còn tác động tiêu cực đến hình ảnh của sâm Hàn Quốc nói chung. Xin kêu gọi các đại lý, khách hàng cùng chung tay góp sức đẩy lùi, kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái trên thị trường”, ông Choi kêu gọi.
Còn theo ông Vũ Ngọc Huyền, Chủ tịch VHP Group, một đơn vị phân phối sâm Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, người Việt yêu thích và tin tưởng sử dụng phổ biến nhất chính là dòng Hồng Sâm củ khô nguyên hộp (hộp sắt) – cũng là dòng sản phẩm đang bị làm giả nhiều nhất hiện nay.
Theo chia sẻ của nhiều đơn vị kinh doanh sâm Hàn Quốc, hàng giả xuất hiện khá nhiều trên thị trường và dấu hiệu không ngừng tăng khiến cho người tiêu dùng trở nên lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm. Điều này gây khó khăn cho những doanh nghiệp, đơn vị làm ăn chân chính.
Cách phân biệt hồng sâm thật – giả
Cuộc chiến hồng sâm giả không phải tới hiện tại mới được phát hiện, trước đó, Văn phòng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại TP.HCM cũng phát hiện một số nơi mà sản phẩm Trung Quốc giả danh thương hiệu Hàn Quốc.
KOTRA đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp hàng giả, giá thấp đến từ Trung Quốc đang nhanh chóng lan rộng trên thị trường Việt Nam. Các công ty Hàn Quốc cần phải tạo nên nét đặc trưng riêng, dựa trên chất lượng, và thực hiện chiến lược quảng bá hình ảnh sang trọng.
Ngoài ra, để phân biệt được hàng thật – giả, người đại diện của thương hiệu sâm Daedong Korea Ginseng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng bắt buộc phải “tinh” khi mua hàng. Đánh giá kỹ từ màu sắc, chữ viết, màu mực in tới củ sâm bên trong hộp,… Đặc biệt, mọi người chỉ nên mua hàng ở những cơ sở đã xác nhận là đại lý phân phối chính thức của các thương hiệu sâm nổi tiếng Hàn Quốc tại Việt Nam.
Còn theo GS.TS Phạm Hưng Củng, nguyên Vụ trưởng Y học cổ truyền, Bộ Y tế; Viện trưởng Viện Khoa học điều dưỡng và Phục hồi chức năng; Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam: “Như chúng ta đã biết, hồng sâm có tác dụng tăng cường sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh tật nên có giá thành cao. Đây cũng là mục tiêu của bọn làm hàng giả, buôn bán sản phẩm kém chất lượng nhằm thu lại lợi nhuận.
Sản phẩm làm giả rất khó phân biệt, để tránh điều này, người dùng nên cảnh giác, mua ở những địa chỉ uy tín, nhà phân phối chính hãng của thương hiệu sâm nổi tiếng của Hàn Quốc tại Việt Nam. Hãy bảo vệ mình để tránh tiền mất, tật mang.
Thông thường người bán sâm lâu năm sẽ dựa vào đổ tuổi của sâm để định giá. Tuy nhiên, với người mua rất khó để xác định vì cũng rất ít khi mua sâm và kiến thức không sâu về sâm”.
Người Hàn Quốc có câu “Gốc rễ của sự sống chính là nhân sâm”, chính vì vậy, để bảo vệ “sự sống” đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo và cẩn trọng trong việc lựa chọn mua hồng sâm nói riêng hay nhân sâm nói chung.