Giảm loạt lãi suất cho vay mua, thuê, xây dựng nhà ở xã hội

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của NHNN.

Cụ thể, theo quy định mới, mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán là 4,8%/năm. Mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4,3%/năm.

Quyết định mới ban hành có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 và thay thế Quyết định số 2530a/QĐ-NHNN ngày 09/12/2015 của Thống đốc NHNN.

 Nhiều lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội trong năm 2021

Quyết định 2530a trước đó quy định, mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán là 5%/năm và mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4,5%/năm. Vậy là so với quy định cũ, mức lãi suất cho vay mới đã giảm 0,2 điểm %.

Cùng với đó, Thống đốc NHNN cũng mới ban hành Quyết định số 2196/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng trong năm 2021 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN.

Mức lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2021 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà theo quy định tại các Thông tư trên là 4,8%/năm.

Quyết định 2196 cũng có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế cho Quyết định số 2734/QĐ-NHNN ngày 31/12/2019 của Thống đốc NHNN.

Trước đó, Quyết định số 2734 quy định mức lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà là 5,0%/năm. Tương tự như quy định về mức lãi suất cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nêu trên, mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà của năm 2021 cũng giảm 0,2 điểm % so với quy định cũ trong năm 2020.

Đề xuất giải pháp ngăn chặn đầu cơ, "thổi giá" bất động sản

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm 2021 - 2025 và năm 2021.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng dự án, quy mô dự án và chất lượng dự án; cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bộ Xây dựng cho hay, giai đoạn 2016 - 2020 đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

Đề xuất giải pháp ngăn chặn đầu cơ, "thổi giá" bất động sản

Đặc biệt năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thị trường bất động sản chưa ở trạng thái "trầm lắng", "đóng băng" toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê. Đến cuối năm 2020 đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá thấp.

Tuy nhiên Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một loạt bất cập như cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Đồng thời kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", làm giá để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản .

Hà Nội - Thông tin về quy hoạch xây dựng sẽ được cung cấp sau 15 ngày

UBND thành phố vừa phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

Theo Quyết định, Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt 12 quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trong đó có 9 quy trình cấp thành phố; 3 quy trình cấp huyện.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định xây dựng quy trình điện tử để phục vụ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định.

Thông tin về quy hoạch xây dựng sẽ được cung cấp sau 15 ngày

9 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp thành phố thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hồ sơ nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở  

Cụ thể các quy trình này gồm: Cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc (thời gian giải quyết trong 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ); cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc do chứng chỉ bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin cá nhân (5 ngày).

Cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp (10 ngày); gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc (10 ngày); công nhận chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài ở Việt Nam (10 ngày).

Chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài ở Việt Nam (10 ngày); thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh (20 ngày).

Thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh (25 ngày); cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (15 ngày).

3 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện do UBND cấp huyện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính UBND cấp huyện) gồm: Thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện (20 ngày).

Thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện (25 ngày); cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện (15 ngày).

Hoàn thiện thể chế, nghiên cứu cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Chiều 26/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm 2016 - 2020; định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm 2021-2025 và năm 2021. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, có 5 nhóm chỉ tiêu cơ bản hoàn thành, gồm: Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân 8,5-8,7%/năm; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 40%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 90%; quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đạt 91%.

Tuy nhiên, có một nhóm chỉ tiêu không đạt mục tiêu là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 24m2 sàn/người (mục tiêu là 25m2 sàn/người). Trong đó, phát triển nhà ở xã hội đạt 5,21 triệu mét vuông (bằng khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra là 12,5 triệu mét vuông sàn).

Hoàn thiện thể chế, nghiên cứu cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, Bộ Xây dựng xác định, phát triển ngành Xây dựng theo hướng hiện đại, nhanh và bền vững; gắn kết tiến trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội, nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn và vùng thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, ngành Xây dựng đã quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Đáng chú ý, công tác hoàn thiện thể chế đạt kết quả nổi bật; công tác quản lý đầu tư xây dựng có chuyển biến tích cực; số lượng các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng giảm qua từng năm; thị trường bất động sản được quản lý tốt, phát triển đúng hướng...; công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, đứng đầu ASEAN và tốp 10 thế giới...

Mặc dù vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra các mặt hạn chế, tồn tại của ngành Xây dựng trong thời gian qua. Cụ thể là: Công tác phát triển nhà ở còn bất cập, còn khan hiếm phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân; chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp; một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch...

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, coi đây là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt, đột phá để ngành phát triển đúng hướng, mạnh mẽ hơn; tìm cơ chế để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, phát triển đô thị lõi, đô thị vệ tinh; nghiên cứu xây dựng nhà ở an toàn cho người dân; nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, sản phẩm đa dạng, giá rẻ phù hợp…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, sẵn sàng đảm nhận vai trò xây dựng đất nước...

Lập danh sách các tổ chức, cá nhân triển khai xây dựng trái phép

Sở Xây dựng TP HCM vừa có văn bản đề nghị UBND quận, huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Cùng với đó, Sở đề nghị UBND quận, huyện cần tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, kiểm tra mang tính đồng bộ, xuyên suốt từ lúc khởi công đến lúc hoàn thành và đưa vào sử dụng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mà không được kiểm tra, phát hiện, xử lý.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự xây dựng thông qua các phần mềm, ứng dụng trực tuyến của UBND quận, huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; có biện pháp chế tài mang tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Rà soát, tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm thực hiện.

Sở Xây dựng TP HCM vừa có văn bản đề nghị UBND quận, huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Đồng thời, lập danh sách các tổ chức, cá nhân triển khai xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, công trình không phép, sai phép tại địa phương; các tổ chức, cá nhân môi giới, kinh doanh các công trình không phép, sai phép trên địa bàn để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an các cấp để có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng thông báo danh sách các công trình xây dựng vi phạm đã bị cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý, các thông tin quy hoạch xây dựng trên địa bàn; trao đổi, phối hợp lực lượng công an nắm chắc tình hình, phối hợp xử lý ngay từ đầu và khi có yêu cầu.

Ngoài ra, chủ động rà soát các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc...) tại địa phương, phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành có liên quan đề xuất UBND TP điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công khai các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, tổ chức cắm mốc giới tại thực địa theo quy định để người dân biết, thực hiện và giám sát thực hiện; công khai và kịp thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định.

Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/bds-24h-giam-loat-lai-suat-cho-vay-mua-thue-xay-dung-noxh-1609061564825.html