Sáng nay (27/7), bến xe Lương Yên đã chính thức đóng cửa theo đúng kế hoạch di dời được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.
Được biết trước đó, ngày 26/7, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề nghị của đơn vị chủ quản là Cty TNHH MTV Lương thực Lương Yên và ý kiến chỉ đạo của thành phố Hà Nội, từ sáng nay bến xe Lương Yên dừng hoạt động để đơn vị chủ quản chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tính đến thời điểm hiện nay, bến xe Lương Yên đang có 346 “nốt” của 52 doanh nghiệp chạy đến 19 tỉnh, thành phố.
Theo phương án điều chuyển, sắp xếp của Sở GTVT, từ hôm nay các “nốt” xe khách trên được chuyển về hoạt động tại ba bến xe là Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa.
Theo đó, việc điều chuyển các đơn vị kinh doanh từ bến xe Lương Yên về các bến khác được sắp xếp như sau:
Bến xe Gia Lâm tiếp nhận 133 “nốt” của 13 DN vận tải chạy đến các tuyến: Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Quản Ninh, Thái Bình; bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 162 “nốt” của 34 DN vận tải chạy các tuyến: Bắc Giang, Nam Định, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Trị…; bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 51 “nốt” của 8 DN vận tải chạy các tuyến Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.
“Tính đến trưa 26/7, quản lý bến xe Yên Nghĩa đã thanh lý xong các hợp đồng với 52 doanh nghiệp vận tải để dừng hoạt động bến xe này kể từ sáng 27/7”, ông Viện thông báo.
Bên cạnh đó, việc điều chuyển nhiều lượt tuyến xe khách chạy các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… về bến xe Yên Nghĩa (phía Tây Nam) được cho là sẽ làm tăng lượng xe xuyên tâm và trái quy hoạch.
Tuy nhiên, theo ông Viện, khi xây dựng phương án trên Sở GTVT đã báo cáo UBND thành phố và Bộ GTVT.
Phía UBND thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương; còn Bộ GTVT đã đồng thuận với phương án sắp xếp, điều chuyển và còn thông báo Bộ GTVT thống nhất điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến xe khách theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội.
Một số hình ảnh cuối cùng tại bến xe Lương Yên: