Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, TS. Trịnh Thu Tuyết cho biết: Đề hay, nội dung kiến thức và kỹ năng được kiểm tra trong đề vừa phù hợp với tâm thế, năng lực của học trò, đáp ứng khả năng kiến thức cơ bản của các em; vừa cập nhật những yêu cầu của cuộc sống lịch sử - xã hội.
Từ vấn đề biển đảo trong xúc cảm thiêng liêng máu thịt của người Việt, của những người chiến sĩ nơi đảo xa cho đến vấn đề cách sống trong xã hội thời hiện đại, từ vấn đề muôn đời về số phận con người cho đến góc nhìn rất mới mẻ đối với cuộc sống, với con người trong những góc khuất của thân phận; các kiến thức tiếng Việt như thể thơ, biên pháp tu từ, phương thức biểu đạt…; các kỹ năng cảm thụ, bình luận và trình bày quan điểm của mình về một vấn đề của xã hội hoặc văn chương đều được đặt ra trong yêu cầu của đề thi giúp kiểm tra năng lực và kiến thức toàn diện của học trò.
Đề có khả năng phân hóa cao vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường đại học cao đẳng… Học sinh trung bình có thể trả lời được những câu 1,2,5,6 phần đọc hiểu; có thể lý giải được ở mức độ nhận biết và thông hiểu đối với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Học sinh khá và giỏi ngoài mức độ nhận biết và thông hiểu có thể trả lời sâu sắc ở mức độ vận dụng và vận dụng cao với cả 2 phần đọc hiểu và làm văn. Như vậy đề bài đã đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Theo TS. Lê Thị Minh Nguyệt, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, về mặt dung lượng, đề thi có thể dài hơn đề thi của các năm trước, gồm nhiều tờ giấy thi. Nhưng nếu đã nắm được cấu trúc của đề, chắc hẳn các em sẽ không ngỡ ngàng để bình tĩnh hoàn thành bài làm của mình.
Thầy Nguyễn Đức Hùng - Giáo viên Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn cho rằng, đề thi đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp THPT với các nội dung thí sinh có thể làm được 4 đến 5 điểm và cũng có các yêu cầu nâng cao để xét tuyển ĐH, CĐ.
Phần đọc hiểu với đoạn thơ gợi lên cảm xúc về tình cảm của người dân dành cho các chiến sĩ. Phần văn xuôi đề cập đến vấn đề thực tế của cuộc sống: sự thờ ơ, vô cảm với các vấn đề, hiện tượng xung quanh. Phần này khó hơn phần thơ và đây là yếu tố phân loại thí sinh.
Câu nghị luận xã hội đề cập đến một hiện tượng khác của xã hội: mọi người chỉ tập trung tích lũy kiến thức mà chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhất là ở trường phổ thông. Hai vấn đề này cần đồng đẳng với nhau và cũng là “đất” để thí sinh bày tỏ quan điểm của mình.
Câu nghị luận văn học quen thuộc nhưng ý thứ nhất là kiến thức giáo khoa dành cho học sinh phổ thôg. Ý thứ 2 bình luận quan điểm là dành cho học sinh khá, phân loại cho việc xét tuyển ĐH, CĐ.
Theo thầy Hùng, phần nghị luận văn học (câu cuối cùng) lại không thể hiện được chủ trương trên vì cả câu hỏi chiếm 4 điểm nhưng chỉ gói gọn trong một tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.
"Với đề thi này, thí sinh có thể làm được 4, 5 điểm nhưng điểm 7, 8 là rất khó, phải khá giỏi trờ lên mới có thể đạt được", thầy Hùng nhận định.
Nhận xét về đề văn, thí sinh Nguyễn Thu Trang, dự thi tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đề thi năm nay bám sát với cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề thi không quá đánh đố, có khả năng phân loại thí sinh cao với mức độ đề từ dễ đến khó. Có đưa những vấn đề người lính biển đảo mà nhiều học sinh quan tâm.
Câu 4 điểm nghị luận văn học đề cập tới việc phân tích hình ảnh người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và cách nhìn cuộc sống của tác giả cũng nằm trong nội dung ôn tập. Đây là tác phẩm quen thuộc và được nhiều thầy cô giảng dạy kỹ lưỡng. Trong quá trình ôn tập Trang và các bạn cũng đã lưu ý đến tác phẩm văn xuôi này.
Nhiều thí sinh ở điểm thi khác tại Hà Nội như: ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi, HV Ngân hàng cũng tỏ ra thích thú với đề thi Văn năm nay.
Em Nguyễn Anh Tuấn, học sinh trường dự thi tại Đại học Thủy Lợi cho biết: Chúng em quan tâm và tìm hiểu thông tin nhiều vấn đề thời sự như Ánh Viên, dịch Mers hay vấn đề chặt cây xanh của Hà Nội.
Tuy nhiên, những chủ đề này đều không có trong đề thi. May còn có câu liên quan đến vấn đề thờ sự là hình ảnh người lính đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Về câu nghị luận văn học cũng không quá khó khi chúng em đã được ôn tập kỹ. Với đề này em nghĩ mình sẽ được khoảng 7 điểm”- Anh Tuấn nói.
Buổi thi môn Ngữ văn ở Hà Nội tiếp tục diễn ra trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Từ sáng sớm, nhiệt độ đã tăng cao từ 36 đến đến 400C khiến cả thí sinh và người nhà đều mệt mỏi. Chiều nay, các thí sinh thi môn Vật lý theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút./.