Dưới đây là ba số phận trúng số độc đắc nhưng cả ba đều rơi vào bi kịch không ai lường trước.
Tỉ phú độc đắc tay trắng sau 2 năm
Từ một thanh niên nghèo khó, chớp mắt đã trở thành tỉ phú, sở hữu gần 10 tỉ đồng tiền mặt, nhưng xót xa thay, chỉ sau hai năm tiêu xài phóng khoáng, tỉ phú này đã quay về cuộc sống cơ hàn, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Đó là cuộc đời của anh T.T.P. (40 tuổi, ngụ phường 8, TP.Vĩnh Long). Anh P. vốn vang danh một thời với cách tiêu xài phóng khoáng và làm từ thiện mà không cần suy nghĩ.
Anh P. - tỷ phú “độc đắc” - người từng cầm bạc tỉ trong tay khi chỉ mới 35 tuổi, cho biết, gia đình anh có tất cả 9 anh chị em, anh P. là con trai thứ.
Bốn năm trước, với nghề chạy xe ôm mưu sinh, thi thoảng anh cũng hay mua vé số kiến thiết để cầu may. Rồi một ngày cuối tháng 12/2014, anh may mắn trúng giải độc đắc trị giá tới 7,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ thuế 750 triệu đồng, anh được công ty xổ số trao thưởng 6 tỷ 750 triệu đồng tiền mặt. Sau khi trúng độc đắc, anh lại có thói quen mua vé số nhiều hơn.
Mỗi ngày, anh P. có thể bỏ ra hàng triệu đồng để mua vé số mà không cần suy nghĩ. Những ngày đó, người bán vé số luôn tìm đến bán cho anh. Do mua nhiều vé số, anh P. liên tục trúng nhiều giải phụ và ít tháng sau đó, anh P. lại tiếp trúng 9 tờ an ủi với với tổng số tiền là 900 triệu đồng.
Từ khi trúng số, cuộc sống của P. thay đổi hoàn toàn, “xài tiền như nước”, ai cần thì anh giúp, ai xin thì anh sẵn sàng cho không cần nghĩ nhiều. Từ đây, danh tiếng P. “đại gia” nổi như cồn ở TP ven sông này, nên anh có nhiều bạn bè săn đón là điều không hề lạ.
Với cách vung tiền như thế thì đến tiền “núi” cũng mòn, chỉ sau hai năm, số tiền trúng trong tay cạn dần, anh P. tiếp tục nhiều lần rút tiền gửi ở ngân hàng ra hết để đầu tư nhà, đất nhưng do thiếu kiến thức nên đều thua lỗ và bán sạch tất cả các tài sản có được
Giọng anh P. đượm buồn kể: “Đến nay, tôi trở lại con số 0, không nhà cửa, phải ở tạm cùng cha mẹ già trong căn nhà do chính quyền hỗ trợ.
Phải mưu sinh hàng ngày bằng việc chạy xe “ôm”. Tôi không buồn hay tiếc nuối khi giờ mình trắng tay. Bởi trong số tiền đó, tôi cũng đã giúp được cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình và làm từ thiện.
Ở phải sẽ gặp phải, tôi hy vọng mình sẽ trúng độc đắc thêm lần nữa. Nếu được may mắn như thế, tôi cũng sẽ tiếp tục làm từ thiện và mua một căn nhà nhỏ để ở một mình chứ không hề có ý định lập gia đình”, anh P. cười hiền.
Bi kịch sau khi được "lộc trời cho"
Câu chuyện anh Huỳnh Văn Thức (ngụ ấp Thới Thuận, xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) trúng 13 tờ độc đắc, sinh tật rồi sau đó bị chính em trai lỡ tay làm anh Thức tử vong thật sự là một bi kịch.
Theo lời ông Huỳnh Văn Bé (67 tuổi, cha ruột anh Thức), một buổi chiều cách đây 10 năm, anh Thức mừng rỡ chạy về nhà báo tin mình trúng 13 tờ độc đắc, loại 2.000 đồng/tờ, làm cả ấp vui lây, mừng cho gia đình anh nghèo khổ bấy lâu nay được trời thương.
Nào ngờ, sau khi lãnh thưởng số tiền lớn, anh Thức mua nhà, xe và ruộng đất, chỉ cho cha mẹ ruột ít tiền sửa lại căn nhà dột nát. "Trước khi trúng số, Thức hay nhậu nhẹt nhưng không hung hăng. Nhưng khi có nhiều tiền trong tay, nó càng ăn chơi thả cửa, nhậu nhẹt liên miên. Dần dà, "của trời cho" cũng bay theo những cuộc ăn chơi. Nó kêu người đến bán đất, bán nhà với giá rẻ bèo để có tiền nhậu nhẹt" - ông Bé buồn bã nói.
Đến khi Thức tay trắng thì anh ta trở lại cuộc đời làm thuê nhưng lại sinh tật chửi bới, đánh đập vợ con và cha mẹ ruột. Chịu không nổi người chồng vũ phu, vợ của Thức bỏ đi khi đứa con gái chung của 2 người còn nhỏ.
Bi kịch xảy ra vào sáng 24/7/2014, Thức đi nhậu về say xỉn liền kéo đứa con gái đang ngủ ra đánh. Thấy vậy, ông Bé cùng vợ vào can ngăn. Thức không những dừng tay lại mà còn cầm bình trà ném vào mẹ ruột. Uất ức vì anh trai ngang ngược, em trai Thức là Huỳnh Nhựt Trường đến cự cãi với Thức nhưng ông bà Bé can ngăn nên 2 anh em bỏ đi nhậu.
Sau đó, Trường về nhà, thấy Thức đang nằm ngủ trong buồng, nhớ lại chuyện anh trai hay chửi bới cha mẹ và đánh đập cháu, Trường nổi nóng liền cầm cây tuốc-nơ-vít rồi xông vào chỗ Thức quát mắng anh trai, dẫn đến hai anh em xô xát. Trường cầm tuốc-nơ-vít đâm nhiều nhát vào người anh trai làm Thức chết trên đường đi cấp cứu.
Sau đó, Trường bị tòa án tuyên 10 năm tù. "Thằng Trường hiền, rất thương cha mẹ, thương cháu. Do nó thấy thằng Thức hỗn hào hay chửi bới, đánh đập người trong nhà, nó mới hành động như vậy. Giá như đừng có trúng số chắc gia đình tôi không phải chịu cảnh này" - ông Bé thở dài.
Cạn tình ruột thịt vì trúng số
Ngày bà Đ. trúng vé số đặc biệt với giá trị 1,5 tỉ đồng, bà con lối xóm ai cũng mừng bởi nghĩ rằng từ nay gia đình bà sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Bà có 8 người con nhưng không ai được học hành tới nơi tới chốn. Các con bà người làm thuê, người làm công nhân, thợ mộc. Mẹ nghèo nên 3 đứa con trai bà đều phải nương nhờ nhà vợ.
Sau khi trúng số, bà Đ. đưa tất cả tiền cho cô con gái thứ 5 và bảo: "Con cầm tiền thay má sửa sang nhà cửa, mua sắm những vật dụng còn thiếu rồi chia cho các anh em mỗi người một ít gọi là lộc của má".
Do người con gái này chưa lập gia đình nên bà tin tưởng, cứ đinh ninh sẽ sống với con để nương nhờ khi về già. Thế nhưng, cô con gái không làm theo đúng ý mẹ. Căn nhà chỉ được sửa sơ sài, bà kêu con mua sắm gì cũng không được như ý. Những người con khác của bà không ai nhận được đồng nào từ tiền trúng số của mẹ.
Một năm sau, bà Đ. chết điếng khi nghe con gái nói: "Tiền trúng số của má con xài hết. Má cầm cố giấy tờ nhà để con lấy vốn làm ăn". Bà phản đối quyết liệt. Mẹ con từ đó trở nên mâu thuẫn.
Bà còn phát hiện đứa con gái đứng tên trên toàn bộ giấy tờ nhà từ khi nào mà bà không biết. Bà kêu con gái trả lại nhà đất cho má dưỡng già và chia cho các anh chị em khác. Đáp lại mong muốn của bà, đứa con gái bảo: "Má già rồi, đừng quan tâm đến chuyện tài sản. Má nên lên chùa ở tịnh tâm, ăn chay niệm phật dưỡng già".
Đến một ngày, ngân hàng gửi giấy báo đòi nợ cô con gái nhưng con thì bỏ đi biệt tăm. Nếu không trả nợ sẽ mất nhà, bà Đ. đành phải vay mượn tiền đi chuộc giấy tờ nhà về.
Không còn cách nào khác, người mẹ đành phải khởi kiện chính đứa con gái của mình ra tòa đề nghị hủy giấy chứng nhận nhà đất do con gái đứng tên, đồng thời yêu cầu chia di sản thừa kế do chồng bà để lại.
Được gọi đến tòa, đứa con gái bảo: "Nhà đất là của ông bà nội để lại cho ba tôi, má tôi không có công sức gì. Trước khi ba tôi mất, má tôi còn khỏe mạnh nhưng ba không cho má mà để cho tôi đứng tên. Giờ ba qua đời, má thì già yếu. Cho nên nhà đó của tôi, tôi không trả cho ai hết".
Con gái đã vậy, mấy đứa con trai thì thỉnh thoảng nhậu về quậy má tơi bời. Bà Đ. phải gọi công an đến can thiệp mới được sống yên ổn.
Bỏ xứ tha hương vì trúng số độc đắc
Anh Nguyễn Văn D. - bảo vệ dân phố ở khóm Đông Thịnh 6, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho biết trước đây, một người dân thấy vợ chồng chị H. (42 tuổi; ngụ phường Mỹ Phước) và hai đứa con không có chỗ nương tựa nên cho mượn phần đất để cất nhà ở tạm.
Có nơi tá túc, chị H. bươn chải phụ người dì bán cá ở chợ với số tiền công ít ỏi. Thế nhưng, khốn khó vật chất không làm người phụ nữ lam lũ đau xót trước cảnh người chồng suốt ngày chỉ lo rượu chè, 2 đứa con đến tuổi ăn, tuổi học nhưng không được đến trường.
Trưa 30 Tết năm 2013, khi nhà ai cũng tất bật sắm sửa, dọn nhà để đón năm mới thì chị H. càng thêm tủi phận vì trong túi chỉ có vỏn vẹn 10.000 đồng, chị lầm lũi quét dọn chỗ bán mà nước mắt cứ lăn dài. Sau khi dọn dẹp xong chỗ bán, chị H. thấy một ông lão mời mua vé số nhưng chị lắc đầu từ chối. Nhưng khi nhìn kỹ lại bộ dạng khốn khổ của ông lão bán vé số dạo giống hoàn cảnh của mình, chị H. vét hết 10.000 đồng mua ủng hộ ông lão thay vì để dành mua 1 kg gạo. Không còn tiền, đến chiều cùng ngày, chị H. không về nhà mà đến chỗ bán cơm gần đó để xin rửa chén phụ.
Trong lúc chờ chủ quán đồng ý, chị H. dò vé số. Thật không thể tin vào mắt mình, chị H. nhận thấy 6 con số của tờ vé số chị mua hồi trưa của ông lão không sai 1 con nào ở lô đặc biệt của giấy dò. Chị H. lập tức chạy về nhà báo tin cho chồng con biết trong niềm sung sướng tột cùng. Những người giúp đỡ cho chị H. trước đây cũng phải mừng cho gia đình chị.
Sau khi trúng số hơn 1,3 tỉ đồng (đã trừ thuế), chị H. mua 1 căn nhà khoảng 700 triệu đồng, mua cùng lúc 2 xe tay ga và nữ trang cho vợ chồng cùng đeo. Chị không phụ bán cá với người dì nữa, hai vợ chồng và con cứ thỏa sức tiêu xài phung phí. Bản thân chị H. cũng lao vào các trò đỏ đen trong khi người chồng thì có bạn nhậu đến nhà ngày càng đông hơn.
"Trong vòng 1 năm, chị cùng chồng phải bán ngôi nhà của mình rồi dọn ra ở thuê. Số tài sản còn lại cũng lần lượt "đội nón ra đi" rồi vợ chộng cãi vã, nợ nần lãi mẹ đẻ lãi con. Chị cùng chồng dắt 2 đứa con bỏ đi biệt xứ, nghe nói lên Bình Dương làm thuê" - anh D. cho hay.
K.N (th)