Trong khi hầu hết các hộ dân ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên đều chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả sản xuất thấp sang chuyên canh hoa cây cảnh, hiệu quả kinh tế cao, thì gia đình ông Đàm Văn Hân và một số hộ vẫn kiên trì theo đuổi chăn nuôi bò sữa từ năm 2003 đến nay.

Kết quả sau 15 năm gắn bó với nghề, gia đình ông Hân đã gây dựng được trang trại quy mô 60 con bò sữa các loại, bao gồm 30 con nuôi hậu bị, 30 con nuôi khai thác sữa. Nhờ vậy, trung bình mỗi ngày đã khai thác và xuất bán cho Vinamilk được 550kg sữa bò tươi chất lượng cao. Lợi nhuận ước đạt 115 triệu đồng/tháng (gần 1,4 tỷ đồng/năm).

Ông Hân đã bộc bạch: Kể từ khi bắt đầu nuôi bò sữa đến nay, gia đình ông đã tích luỹ được tổng giá trị tài sản trên mặt bằng trang trại ngót nghét 5 tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn, những kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa mà ông thu được, có thể coi là vô giá. Bởi nuôi bò sữa cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Nếu nuôi không chắc tay, thì rất dễ bị rủi ro.

Trại bò sữa của ông Hân

Nói về bí quyết chăn nuôi bò sữa luôn đạt hiệu quả cao của gia đình, ông Hân cho biết: Trước hết phải chọn được giống tốt. Sau đó cần đảm bảo đủ khẩu phần ăn thô, tinh cân đối cho bò. Và đảm bảo chuồng trại sạch sẽ. Ngừa vacxin phòng bệnh định kỳ theo lịch thú y.

Chọn giống tốt là chọn các con bò sữa HF thuần, có tỷ lệ máu ngoại cao (trên 90%), được sinh ra từ cặp bố mẹ khoẻ mạnh, năng suất sữa cao. Con giống phải không có bệnh tật (đặc biệt là bệnh truyền nhiễm), tính tình hiền hoà, ngoại hình đẹp, lưng thẳng, ngực sâu rộng, mồm rộng, mũi to, bụng nở không xệ, chân thẳng, háng rộng, mông dài rộng, tai tròn, móng hến, cổ thanh dài (cổ kiệt), bầu vú rộng và hồng, 4 vú phát triển cân đối đều trên lầm vú và không có vú phụ.

Chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nền chuồng đổ bê tông cứng, không trơn trượt, có máng ăn, dây cố định bò, và được tẩy rửa sạch sẽ thường xuyên. Vacxin phòng ngừa các bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng 2 lần/năm (mùa xuân và mùa thu) theo khuyến cáo của cơ quan thú y chuyên ngành. Khẩu phần ăn cho bò sữa bao gồm: Chất hữu cơ thô xanh (cỏ voi, thân lá ngô sau thu hoạch..), Cám công nghiệp chuyên dùng, cám ngô, cám gạo, đỗ tương, Vitamin ADE và khoáng chất. Các thức ăn nói trên cần phối trộn theo định lượng và tỷ lệ ghi trên bao gói cám công nghiệp. Riêng thức ăn thô xanh cần đảm bảo 45 - 50kg/1 bò khai thác sữa/1 ngày.

Vắt sữa ngày 2 lần, trước khi vắt sữa cần làm vệ sinh chuồng trại, lau sạch và khô bầu vú trước khi đưa máy vào vắt. Phải cố định giờ vắt sữa, nơi vắt sữa, tránh stress.

Để có đủ lượng thức ăn thô xanh quanh năm cho bò, gia đình ông Hân đã thuê lại gần 1,5ha đất canh tác của người dân địa phương, với giá 4 triệu đồng/năm, chuyên dành cho gieo trồng cỏ voi. Đồng thời đầu tư xây bể dung tích 250m3 ủ trữ cỏ cho bò ăn trong những tháng mùa khô.

Ngoài ra, ông Hân còn mua thêm thân ngô sau thu hoạch để ủ trữ thêm cho nuôi bò. Riêng khâu ủ trữ thức ăn thô xanh cho bò cũng có thể coi là một bí quyết của gia đình ông Hân, trong đó cỏ voi/thân lá ngô được tiến hành cắt khúc, xếp lớp, rải trộn phụ gia (cám gạo, muối ăn, đường đỏ), ủ theo hướng dẫn của kỹ thuật chuyên môn. Nhưng sau đó, bên cạnh việc bao kín chất ủ bằng 2 lớp (màng ni lông + bạt nhựa), ông Hân còn phủ thêm 1 lớp cát khô ngoài cùng, giúp thức ăn xanh sau ủ 2 tháng đã chuyển màu vàng đều như dưa muối, thơm như men rượu, rất hợp khẩu vị bò ăn, chất lượng sữa rất tốt, luôn được các công ty định giá thu mua cao nhất (cho bò ăn cỏ xanh chưa ủ, năng suất sữa cao hơn, nhưng chất lượng sữa thấp hơn so với thức ăn thô xanh qua ủ).

Nhà nông muốn đầu tư nuôi bò sữa nên xin tư vấn từ những người có kinh nghiệm lâu năm. Tại thời điểm này, giá 1 con bò sữa thành thục khá đắt (45 - 50 triệu đồng), nhưng chỉ sau 1 chu kỳ khai thác sữa (10 tháng) nhà đầu tư đã có thể thu hồi đủ vốn và có lãi ít. Với các gia đình có tiềm lực kinh tế thấp, nên mua bò sữa từ thời kỳ bê con tách mẹ (cai sữa), giá chỉ 5 triệu đồng/con, sau nuôi 30 - 36 tháng sẽ cho khai thác sữa", ông Hân khuyến cáo.

Theo phapluatxahoi.vn