Sáng 8/6, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các vấn đề Đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực tài chính, đặc biệt là vấn đề về giá xăng dầu tăng cao.
Giá xăng dầu vẫn rẻ hơn so với nước lân cận
Nhấn mạnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang ở mức cao, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng về biện pháp giảm các khoản thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Trả lời Đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết so với nước lân cận như Lào, giá xăng tại quốc gia này còn cao hơn giá xăng ở Việt Nam từ 10.000 - 11.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, giá xăng ở Campuchia, Thái Lan đều cao hơn Việt Nam.
Bộ trưởng đặt vấn đề giá xăng dầu liên tục tăng cao thì có giảm thuế hay không, bởi việc giảm thuế liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, hiện đã giảm 2.000 đồng/lít (tương đương 50%) đối với mặt hàng xăng.
"Thuế bảo vệ môi trường với xăng hiện nay còn 2.000 đồng/lít, chúng ta có giảm thêm được nữa không? Theo quy định hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết giảm 1.000 đồng/lít, nếu muốn giảm cả 2.000 đồng/lít còn lại thì thẩm quyền thuộc Quốc hội"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Đối với việc có giảm các loại thuế khác như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, Bộ trưởng cho biết sẽ đánh giá tác động việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh giải pháp giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần đồng bộ nhiều giải pháp khác. "Giá xăng dầu còn phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu, hay vấn đề nhập hàng của thị trường nào, mua của thị trường nào thì rẻ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Vừa qua Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoạt động 100% công suất, nhưng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thì giảm công suất" - ông Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Đại biểu không đồng tình việc can thiệp giá xăng dầu
Tranh luận về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Văn Thân chưa đồng ý với Bộ trưởng về giá xăng dầu. Ông nói, kinh tế Việt Nam là thị trường xã hội chủ nghĩa nên can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều, không vận hành phù hợp với giá thị trường.
"Hãy để giá đó tự nhiên theo hướng tăng giảm của thế giới vì Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và đầu tư nước ngoài. Nếu giảm thì ảnh hưởng đến xuất khẩu khác, nên chỉ can thiệp đúng mức chứ không cố gắng để giá rẻ nhất với các nước xung quanh", ông Thân nói.
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước giữ vai trò bình ổn. Đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc này có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy việc tăng trưởng và sức cạnh tranh, giải quyết được lao động, từ đó có tích lũy cho nền kinh tế. "Chúng ta sẽ được thu thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh ngiệp", ông Phớc nói và lưu ý, giảm ở mức độ nào phải đánh giá tác động.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-se-nghien-cuu-giam-thue-voi-xang-dau-67975.html