Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc xử phạt tài xế sử dụng rượu bia, sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật bày tỏ quan điểm hiện Việt Nam có Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt.

"Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 trong tháng 6/2019" - ông Nhật nói.

 

Một PV đặt vấn đề, tai nạn giao thông chỉ là một trong những hậu quả rất nghiêm trọng mà rượu bia gây ra, nếu chỉ xử phạt thì mới giải quyết được phần ngọn.

Trong khi đó, để cho rượu bia là chất gây nghiện mà giới trẻ, người dân tiếp xúc một cách quá dễ dàng là điều kiện gây ra việc tiêu thụ và dẫn đến nghiện rượu bia, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những điểm mạnh trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia hiện nay lại bị đưa ra khỏi dự thảo luật.

Trong phiên bản mới nhất, những điều khoản ngăn cản việc quảng cáo, tiếp thị tràn lan rượu bia hay giới hạn điểm bán, giờ bán đã được đưa ra khỏi dự thảo luật.

"Vậy sau những hậu quả nghiêm trọng mà gần đây rượu bia mang lại, Chính phủ liệu có ý định đưa trở lại những điểm mạnh để tác hại rượu bia được giảm thiểu hay không?" - PV đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, quan điểm Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là chúng ta cần quan tâm đến nội dung là làm thế nào để kiểm soát được rượu bia.

Hai nội dung về quản lý quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia đã được đưa ra tại dự thảo cuối cùng. Nội dung này Bộ Y tế cũng đã báo cáo Chính phủ và ngày 22/4 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký văn bản.

Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia.

Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia.

Phương án 1 là chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hàng ngày. Phương án 2 là chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch).

Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.

Ngoài ra Quốc hội cũng đề nghị thay đổi tên từ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sang Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng.

Bộ Y tế cho rằng tên này quá dài, thứ hai, không chỉ sức khoẻ vì thực tế tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, nên không thể nói là chỉ mỗi sức khoẻ.

"Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị giữ lại tên như cũ theo quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là Luật Phòng chống tác hại rượu bia" - Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin.

Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia. Với nhiều nỗ lực, dự thảo Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019.

V.Thu

Theo Giadinh.net.vn