- Dấu ấn nổi bật trong thu hút đầu tư của Hà Nội năm 2020 là gì, thưa đồng chí?

- Có thể nói, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2020, thành phố đã có rất nhiều thuận lợi; tuy nhiên, cũng đã có những khó khăn, đặc biệt là khó khăn liên quan đến dịch Covid-19. Tuy vậy, thành phố đã chuẩn bị rất kỹ càng trong công tác thu hút đầu tư. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát bước đầu, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư đạt kết quả tốt nhất.

Cụ thể, tại hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển", thành phố đã thu hút 229 dự án với số vốn đầu tư trên 400.000 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Kết quả này đóng góp tích cực vào quá trình thu hút đầu tư, cũng như thúc đẩy kinh tế của thành phố. Qua đánh giá về kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020, Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao với 3,98%, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền. Ảnh: Viết Thành

- Xin đồng chí cho biết, thành phố Hà Nội đã có hướng đi như thế nào về lựa chọn nguồn vốn chất lượng cao trong thu hút đầu tư?

- Tại Nghị quyết số 50-NQ/TƯ (ngày 20-8-2019) của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Chính trị xác định, chọn lọc, định hướng những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, sản phẩm để thu hút đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, thành phố tập trung để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất là hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Thứ hai là lập các danh mục thu hút đầu tư cho các địa bàn, lĩnh vực, sản phẩm.

Thứ ba là chọn lọc các dự án có sử dụng công nghệ cao.

Thứ tư là ban hành các kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách của thành phố để thu hút đầu tư nói chung, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài.

- Để Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, thành phố có định hướng gì trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thưa đồng chí?

- Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có thể nói, trong những năm gần đây, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Trong 3 năm trở lại đây, Hà Nội đã đứng tốp 10 của cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, với các giải pháp, như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế, chính sách; có chiến lược xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư từ thành lập doanh nghiệp đến tiếp cận các dự án trên địa bàn thành phố. Mục tiêu là đưa Hà Nội trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất để các nhà đầu tư ổn định và yên tâm phát triển.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội:

Nhiều giải pháp đột phá về sản xuất, thương mại

Trước tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam và trên toàn thế giới, trong năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội đã tập trung triển khai các giải pháp mang tính đột phá trong lĩnh vực thương mại, sản xuất cũng như xuất, nhập khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thành phố Hà Nội.

Ngành Công Thương tham mưu cho thành phố triển khai chương trình kích cầu và nhiều chương trình kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia, qua đó giảm lượng hàng tồn kho và đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời, ngành đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố có dư cung cao để cân đối cung cầu trên địa bàn thành phố, kể cả trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngành Công Thương Hà Nội cũng hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh xuất khẩu bị đình trệ; đẩy mạnh thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch Covid-19, thúc đẩy sử dụng không dùng tiền mặt.

Đáng chú ý, Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính; đề xuất giảm thu phí, lệ phí từ 30% đến 50% cho doanh nghiệp; cũng như đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trong thời điểm phải cách ly xã hội phòng, chống dịch bệnh; đồng hành với chính quyền các cấp tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhờ đó, các chỉ tiêu phát triển công nghiệp tăng 4,7%, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,7%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%. Đây là mức tăng cao so với mức bình quân chung của cả nước.

Đặc biệt, năm nay ngành Công Thương Hà Nội đã kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng; góp phần cùng các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng mức Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội đạt 3,98% và cao hơn 1,5 lần so với mức tăng chung của cả nước.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh:

Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của năm 2021

Năm 2020 là năm rất nhiều khó khăn, vất vả đối với quận Cầu Giấy và cả thành phố Hà Nội, cũng như đất nước nói chung. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các sở, ngành, quận Cầu Giấy đã nỗ lực hết sức để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quận đã hoàn thành trên 100% kế hoạch thu ngân sách, gần 100% kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đã nhận được sự nỗ lực, đồng lòng của tất cả các cấp, ngành, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, người dân.

Đối với công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người khó khăn trong thời gian dịch bệnh, quận Cầu Giấy đã thực hiện các chỉ đạo của trung ương, thành phố, hỗ trợ người dân, huy động sức dân để cùng nhà nước giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và hơn 270 tấn gạo…

Đến thời điểm này, quận đã sẵn sàng bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021, với tinh thần chỉ đạo, hành động quyết liệt, trách nhiệm cao nhất.

Theo Hà Nội mới

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/987236/bon-giai-phap-lon-cua-ha-noi-de-thu-hut-nguon-von-dau-tu-chat-luong-cao