Trước đó, sau 15 ngày “hỗn loạn” tại dự án BOT Cai Lậy vì lái xe dùng tiền lẻ trả phí, sáng 16/8, Bộ GTVT đã có cuộc họp thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư về việc giảm phí tại trạm này. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định Bộ GTVT không lường trước được sự việc ở BOT Cai Lậy. Bộ đang tập trung các cơ quan chức năng và tích cực trao đổi với Tiền Giang để xử lý. Ông cho biết vị trí đặt trạm thu phí căn cứ vào việc khảo sát một quá trình rất lâu và kỹ lưỡng, căn cứ vào phương án tài chính, phạm vi dự án.
Theo đó, các loại xe khi đi qua trạm này sẽ được giảm từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe. Thời gian áp dụng chính thức bắt đầu từ ngày 21/8.
Các ý kiến độc giả cho rằng phải đưa trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đường tránh Đồ họa: Minh Trí( Zing.vn)
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng thống nhất miễn hoặc giảm 50% phí cho các phương tiện của người dân 4 xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy từ 10/9.
Theo khảo sát của nhiều cơ quan báo chí, đại đa số độc giả cho rằng cần di dời trạm BOT Cai Lậy vào trong đường tránh. Hầu hết ý kiến đều cho rằng việc miễn, giảm phí là không phản ánh đúng vấn đề. Việc người dân, tài xế phản ứng là phải đưa trạm BOT Cai Lậy vào đường tránh.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng nếu người dân tiếp tục trả tiền lẻ, cơ quan chức năng cụ thể là UBND tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo xử lý.
Việc xử lý như thế nào sẽ tùy vào diễn biến xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, biện pháp lâu dài sẽ hướng các trạm BOT trên cả nước và trạm BOT Cai Lậy sử dụng thu phí điện tử giống như trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định Bộ GTVT không lường trước được sự việc ở BOT Cai Lậy. Bộ đang tập trung các cơ quan chức năng của Bộ và tích cực trao đổi với Tiền Giang để xử lý. Ngoài ra, Bô GTVT sẽ trao đổi với chủ đầu tư và các đơn vị tín dụng. Còn việc đảm bản an ninh an toàn thì địa phương xử lý là chính. “Chúng tôi không kỳ vọng những sự việc tương tự xảy ra ở bất cứ trạm BOT nào”.
Bộ GTVT không muốn bị nhà đầu tư kiện
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: “Chúng tôi từng nói việc xảy ra ở BOT Cai Lậy rất đáng tiếc. Bộ không thể cản được việc chủ đầu tư kiện lại cơ quan quản lý Nhà nước khi lợi ích của họ ảnh hưởng. Trong hợp đồng có ghi nếu mâu thuẫn không thể giải quyết được thì sẽ ra tòa án. Chúng tôi không kỳ vọng việc phải ra tòa và mong muốn các chủ đầu tư ngồi lại cùng giải quyết cùng Bộ GTVT”.
Theo ông, ai cũng mong muốn đi đường miễn phí. Ở nước ngoài, một số nước không thu phí bởi họ có ngân sách. Còn ở các nước đang phát triển phải thu hút kênh tư nhân để đầu tư. Ngân sách của chúng ta hiện nay không đáp ứng được. Nếu dùng ngân sách nhà nước Bộ GTVT rất hoan nghênh nhưng ngân sách không đủ. Việc tại BOT Cai Lậy phải quyết một cách hài hòa. Theo đó, Nhà nước có tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian ngân sách khó khăn; Nhà đầu tư có lãi; người dân có đường rộng rãi để đi.
Hai cây cầu thành cống
Dự án BOT Cai Lậy hoàn thiện và đi vào hoạt động, hàng loạt vấn đề bất thường đã bị phát hiện. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến tránh và tăng cường mặt quốc lộ 1 ghi rõ trạm thu phí đặt vị trí tại Km 1999+900 nhưng hiện trạm thu phí lại hiện hữu tại Km 1999+300. Trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Bộ GTVT, đường tránh trên 1.000 tỷ đồng ở Cai Lậy có 7 cầu được xây mới là Ông Mười, Ba Muồng, Ông Thiệm, Ba Rài, Chín Chương, Giồng Tre và Bình Phú. Tất cả các cầu được thiết kế rộng 12m, dầm bê tông cốt thép dự ứng lực. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 5 cây cầu được xây dựng. Hai cây cầu Ông Thiệm và Chín Chương được phê duyệt trong dự án của tuyến đường tránh Cai Lậy đã "bỗng dưng biến mất". Tuy nhiên lý giải của chủ đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, địa phương đã đề xuất chuyển đổi 2 cây cầu gồm Ông Thiệm và Chín Chương thành cống hộp. Có văn bản phê duyệt, chấp thuận từ Bộ GTVT, điều chỉnh công năng cụ thể. Tuy nhiên theo hợp đồng BOT số 43/HĐ.BOT-BGTVT được ký vào tháng 8/2014 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký, nhà đầu tư là Liên danh Cty CP đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 (TRICO) cùng Cty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang. Cả 7 cây cầu đều có tên trong hợp đồng và dự án này và điều đáng chú ý là không có cái nào được gọi là cống.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hai cây cầu được cho là "biến mất" trên tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy thực tế đã được thay bằng cống hộp. Việc thay thế hai cây cầu này hoàn toàn do giải pháp kỹ thuật được tính toán khi thi công dự án. Hai cây cầu được thay thế là cầu bản, có chiều dài 6m. Có rất nhiều loại cầu, trên thực tế cần xem xét loại nào phù hợp, chủ đầu tư đã thay thế bằng cống hộp. Dù cầu hay cống, vấn đề là phải đảm bảo năng lực thoát nước. Ông minh họa cũng như khi xây nhà, ban đầu định thiết kế cái cửa 2m nhưng thấy quá cao nên chỉ làm 1,8m. Việc thay thế cầu bằng cống để hợp với tình hình thực tế.
Còn việc giảm được bao nhiêu kinh phí sau khi thay 2 cầu bằng cống, Bộ sẽ có con số cụ thể báo cao sau. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, tổng chi phí của dự án sẽ không giảm được bao nhiêu. Trước câu hỏi thay cây cầu bằng cống có giảm được ngày thu phí nào không, Thứ trưởng Đông cho biết: "Không đủ tác động đến một ngày thu phí".
Tại buổi họp báo, một số nhà báo nêu câu hỏi về việc tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy không có đèn, không có hành lang an toàn và việc nghiệm thu đánh giá chất lượng như thế nào?
Ông Đặng Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng chất lượng Công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết tuyến tránh đã đưa vào khai thác từ tháng 1/2016. Một số dịp như Tết 2016, ngày 2/9 và Tết 2017 đã đưa vào khai thác tạm thời để tránh ùn tắc cao điểm. Đến tháng 6/2017 tuyến đường này đã chính thức đưa vào khai thác.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đã chốt số lượng và hiện đang tổ chức nghiệm thu theo quy định. Chủ đầu tư hiện đang hoàn công và trình Bộ thẩm định lại khối lượng để đưa vào quyết toán. Theo hồ sơ của tư vấn, nhà thầu tổ chức thi công đang thực hiện đúng quy định.
Ông Thành cũng cho biết, đây là đường tránh bởi thi công trên nền là đất ruộng nhưng sau đó có nhiều trường hợp là người dân lấn chiếm, xây nền nhà ra sát mặt đường, chỉ cách đường có 2m.
Đại diện Bộ GTVT cũng bày tỏ lo ngại tuyến tránh này nhằm mục đích giải quyết cho xe tải và đảm bảo tốc độ cho các xe lưu thông nhưng với tình trạng hiện nay thì tuyến tránh lại biến thành khu đô thị. Vấn đề an toàn giao thông đang được đặt ra. Lo ngại cũng đặt ra với vị đại diện này như vậy với tốc độ 80km/h không đảm bảo là tuyến tránh.